Đây không chỉ là dịp để tôn vinh thành tựu của loại hình nghệ thuật đặc sắc này, mà còn là nơi tụ hội những tài năng cùng thể hiện khát vọng đưa phim hoạt hình Việt Nam chuyển mình vươn xa, bước ra thế giới.
Cơ hội để người làm hoạt hình tỏa sáng
Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ nhất năm 2024 do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Học viện Đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect (SAMA) và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức từ ngày 8 đến 30-11, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gồm khoảng 20 sự kiện phong phú. Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho biết, Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng được tổ chức nhằm kết nối các thế hệ nghệ sĩ, tôn vinh những đóng góp cho sự phát triển của ngành Hoạt hình, lan tỏa và kết nối các giá trị trong cộng đồng, phát triển ngành công nghiệp nội dung số, từ đó góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Không chỉ dành cho các thế hệ nghệ sĩ, người làm hoạt hình, liên hoan mong muốn tiếp cận các bạn trẻ và lan tỏa tình yêu hoạt hình đến họ. Vì vậy, các hoạt động được tổ chức ở nhiều địa điểm công cộng. Trong đó, chuỗi sự kiện chính diễn ra từ ngày 22 đến 24-11, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (số 72A đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Điểm nhấn là Lễ tôn vinh 65 năm ngành Hoạt hình Việt Nam, diễn ra ngày 22-11, giới thiệu và trưng bày các tác phẩm đậm nét họa Việt từ các nghệ sĩ tiêu biểu, những tác phẩm mới được sản xuất bằng nhiều kỹ thuật đa dạng.
Bên cạnh đó, hai tọa đàm với chủ đề “Khai thác tiềm năng thị trường ngành hoạt hình Việt Nam từ nội địa đến toàn cầu” và “Nghệ thuật hoạt hình trong thời đại công nghệ số” được tổ chức ngày 23-11. Từ ngày 22 đến 24-11 diễn ra chợ dự án và tour tham quan, tìm hiểu hoạt hình Việt Nam.
Trong khuôn khổ liên hoan có chương trình chiếu phim hoạt hình miễn phí từ ngày 15 đến 30-11, tại các hệ thống rạp chiếu phim, chủ yếu ở Hà Nội. Khán giả sẽ được thưởng thức tác phẩm hoạt hình xuất sắc, đã giành nhiều giải thưởng và những bộ phim của các nhà sản xuất trẻ, đặc biệt là một số phim hoạt hình tiêu biểu của Pháp. Điển hình là: “Cá chép của ông Táo”, “Đội lân sư nhí nhố”, “Độc lạ làng khoai”, “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”… của Việt Nam và các phim nước ngoài như “Cuộc phiêu lưu của hoàng tử”, “Hành trình kỳ diệu của Marona”, “Nhóc Nicolas – Đi tìm hạnh phúc”, “Bộ ba thành Belleville”…
Đưa hoạt hình Việt vươn ra thế giới
Phim hoạt hình Việt Nam đã có 65 năm xây dựng và phát triển, âm thầm và bền bỉ sản xuất ra những bộ phim hoạt hình “Make in Vietnam” để phục vụ khán giả trong nước, tiếp đó là đem tiếng nói, hình ảnh và văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, chưa có nhiều sân chơi, liên hoan phim dành riêng cho giới sản xuất phim hoạt hình trong nước và quốc tế quy tụ tại Việt Nam để trao đổi, phát triển nghề, nhất là trong thời đại công nghệ số có nhiều bước chuyển trong sản xuất hoạt hình.
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam bày tỏ, Liên hoan phim hoạt hình Dòng thời gian lần thứ nhất là một dấu mốc ý nghĩa, mở ra những cơ hội mới cho hoạt hình Việt Nam. Theo Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, cần có những liên hoan phim để quy tụ, liên kết, tìm kiếm và hợp tác với các ngành khác để sản xuất những bộ phim chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khán giả hôm nay và đưa hoạt hình Việt Nam vươn tầm thế giới.
Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, có tác phẩm “Xứ sở cây ổi còng” được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình “Cây ổi thiên đường” rất thành công cho rằng, phim hoạt hình là “mảnh đất” mênh mông chưa nhận được nhiều sự quan tâm, khai thác của các nhà làm phim Việt Nam. Thể loại hoạt hình rất thuận lợi để làm những bộ phim về đề tài lịch sử hay viễn tưởng bởi không cần đầu tư dàn dựng bối cảnh, nhân vật thực tế tốn kém, lại tận dụng được sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Đó chính là những bộ phim khẳng định bản sắc Việt, tài năng Việt và có khả năng tỏa sáng trên trường quốc tế.
Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng cho rằng, làm phim hoạt hình cần sự sáng tạo không ngừng, vượt qua những quan điểm thông thường. “Phim hoạt hình không đi từ A đến B theo logic, mà lấy sáng tạo, trí tưởng tượng là chất liệu để phát triển. Song để biến ý tưởng sáng tạo thành tác phẩm cần sự kết hợp của nhiều lĩnh vực”, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng bày tỏ.
Ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam – đơn vị có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lĩnh vực hoạt hình thời gian gần đây khẳng định, phim hoạt hình Việt Nam có nhiều tiềm năng và tài năng, cần có sự chung tay kết nối, đầu tư để thể loại này chuyển mình, vươn lên tầm cao mới, bước ra thế giới thành công. Việc tổ chức Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng hướng tới mục tiêu đó.