“Tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”, thực hiện những thay đổi có tính cách mạng để hướng đến một hệ thống chính trị “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” là những thông điệp nổi bật trong các bài viết, bài phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Các nội dung này đã nhận được nhiều sự chú ý, bàn luận tích cực, và kỳ vọng về những bước tiến đột phá liên quan đến đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta trong thời gian tới.
Khái niệm “hệ thống chính trị” chính thức được sử dụng ở nước ta từ Hội nghị trung ương lần thứ 6, khóa VI. Tuy nhiên, ba cấu phần tạo nên hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thì đã hình thành và hoạt động từ năm 1945.
Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó thì các thành tố bộ phận, cơ chế vận hành, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, trong khi các điều kiện của đất nước đã có nhiều thay đổi.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội, ngày 31/10 (Ảnh: Media QH)
Trong bài viết gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý nói không đi đôi với làm”.
Cụ thể hơn, hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay vẫn còn quá cồng kềnh, nhiều tầng, nấc, nhiều đầu mối. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng. Tình trạng này dẫn đến nhiều hậu quả, cả trước mắt và lâu dài.
Hậu quả dễ thấy nhất là tình trạng vất vả, tốn nhiều thời gian của người dân và doanh nghiệp mỗi khi phải thực hiện các quy định quản lý của Nhà nước. Tiếp đến là sự tốn kém ngân sách để bảo đảm hoạt động cho cả bộ máy, hiện tại việc trả lương và chi thường xuyên hàng năm chiếm đến 70% ngân sách. Sự chồng chéo, không rõ trách nhiệm và thẩm quyền cũng dẫn đến nguy cơ gây phiền nhiễu, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc nghiêm trọng hơn là tình trạng lấn sân, “bao biện làm thay”, cản trở, thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau giữa các đơn vị.
Tất cả những biểu hiện nêu trên đều ảnh hưởng không tốt đến hiệu lực, hiệu quả, khả năng linh hoạt đáp ứng nhu cầu, sự chủ động, sáng tạo, cũng như sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu không quyết liệt thực hiện những sự thay đổi có tính cách mạng thì những hạn chế của hệ thống chính trị có thể cản trở sự phát triển của đất nước.
Do đó, để đất nước có thêm động lực trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là cần quyết liệt hiện đại hóa hệ thống chính trị theo phương châm như Tổng Bí thư đã đề ra là “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, đáp ứng các tiêu chí quản trị quốc gia hiện đại trong thế kỷ 21. Đó phải là những thay đổi mạnh mẽ trên quy mô tổng thể để có thể tạo ra những chuyển biến rõ rệt so với hiện nay về chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Cụ thể hơn, những kết quả từ sự thay đổi liên quan đến hệ thống chính trị phải thể hiện ra thành sự cải thiện tích cực trên một số tiêu chí căn bản như hiệu lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, khả năng tập hợp, đoàn kết xã hội của Mặt trận tổ quốc, năng lực đại diện của các tổ chức chính trị – xã hội…
Năm 2017, Ban chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng gia tăng hiệu lực, hiệu quả. Kể từ đó, tiến trình tinh gọn bộ máy theo hướng thu hẹp các đầu mối, giảm tầng, nấc, giảm biên chế… đã được thực hiện trên toàn quốc, và đến nay cũng đã đạt những kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, những kết quả về tinh gọn bộ máy và giảm biên chế là chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và mong muốn của chúng ta.
Cũng có nghĩa, để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thì chúng ta phải sớm triển khai một nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết 18-NQ/TƯ, đó là: đến năm 2030, hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới.
Về lý thuyết, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị trước hết giúp chúng ta nhận biết được những đặc điểm khái quát nhất về hệ thống bộ máy tổ chức, thẩm quyền cùng chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể, cơ chế hoạt động cũng như nguyên tắc vận hành của cả hệ thống. Cùng với đó là những quy định cụ thể để điều chỉnh mọi hành động của các chủ thể, cũng như các mối quan hệ, cả theo chiều ngang và chiều dọc, giữa các thành tố tạo nên hệ thống chính trị.
Ở bất cứ quốc gia nào thì mô hình tổng thể về hệ thống chính trị tất yếu cũng cần phải dựa vào và phản ánh hệ giá trị được đề cao và theo đuổi bởi cả cộng đồng xã hội. Chính sự khác biệt về hệ giá trị tạo ra sự khác biệt về hệ thống chính trị giữa các quốc gia. Hệ thống chính trị trước hết là biểu hiện vật chất của hệ giá trị chính trị – xã hội. Đến lượt nó, hệ thống chính trị cũng chính là phương tiện then chốt nhất, tập hợp các chủ thể quan trọng nhất trong cấu trúc quản trị quốc gia, đảm nhiệm vai trò quyết định trong tiến trình hiện thực hóa các giá trị nêu trên.
Ở nước ta, việc thiết kế mô hình tổng thể cho hệ thống chính trị trước hết phải bám sát, phản ánh hệ giá trị xã hội chủ nghĩa và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tiếp đó, khả năng vận hành ổn định, bền vững và phát huy vai trò của hệ thống chính trị cũng phụ thuộc vào khả năng tích hợp các giá trị mới, được đề cao bởi các lực lượng xã hội.
Vấn đề căn cốt thứ hai cần quan tâm khi thiết kế mô hình hệ thống chính trị là bộ máy tổ chức, các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến các địa phương. Yêu cầu đặt ra là tinh gọn về quy mô đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cùng với đó là phân cấp, phân quyền rõ ràng. Song hành với thiết kế bộ máy tổ chức, việc xử lý mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước cũng chính là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Theo đó, các quy định thể chế không chỉ phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn phải giảm thiểu nguy cơ lấn sân, bao biện làm thay vai trò quản lý của Nhà nước.
Kinh nghiệm xây dựng mô hình tổng thể về hệ thống chính trị từ nhiều quốc gia, điển hình như nước Mỹ sau khi giành được độc lập, hay Nhật Bản và Hàn Quốc từ sau thế chiến thứ 2 cho thấy vai trò quyết định của các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các trí thức xuất sắc nhất của đất nước. Nói cách khác, những mô hình hệ thống chính trị thành công là sản phẩm của sự kết hợp giữa quyết tâm, tầm nhìn, tư tưởng tiến bộ và trí tuệ của các nhà lãnh đạo chính trị và các trí thức tinh anh.
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh vào kỷ nguyên mới.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/thong-diep-cua-tong-bi-thu-ve-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-20241110235237117.htm