Chuẩn bị Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, khi nhu cầu mua sắm của người dân dự kiến sẽ tăng mạnh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ và thực phẩm đã khẩn trương triển khai các kế hoạch bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định và giá cả hợp lý cho người dân.
Trong bối cảnh thời tiết bất lợi, liên tiếp bão và lũ lụt ảnh hưởng đến các vùng sản xuất nông sản, những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người dân đón Tết an lành và đủ đầy.
Để kích cầu mua sắm, TP. Hồ Chí Minh cùng doanh nghiệp đẩy mạnh bình ổn giá, tăng cường hàng hóa để người dân đón Tết Ất Tỵ 2025 an vui, đủ đầy. Ảnh: Saigon Co.op |
Là đơn vị đi đầu trong chương trình bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh, Saigon Co.op năm nay đã chuẩn bị sớm hơn thường lệ. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Trước tác động nặng nề của các cơn bão số 3 và số 6, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các vùng sản xuất và nông dân để hỗ trợ tài chính, bao tiêu sản phẩm. Điều này giúp duy trì nguồn cung ổn định cho các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu của người dân”.
Song song với đó, Saigon Co.op còn triển khai chương trình “Tín Xanh Trách Nhiệm”, với mục tiêu mang đến các sản phẩm xanh, sạch, an toàn. Doanh nghiệp đã gia tăng đầu tư vào chuỗi cung ứng, tập trung vào dự trữ các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết. Theo ông Thắng, lượng hàng hóa dự trữ cho các nhóm hàng thiết yếu năm nay sẽ tăng từ 30 – 40% so với ngày thường. Saigon Co.op cũng sẽ tổ chức các chuyến hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và những khu vực chịu thiệt hại nặng do thiên tai, đảm bảo người dân cả nước có một mùa Tết đầm ấm bên gia đình.
Với ngành hàng thực phẩm tươi sống, Vissan đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết từ tháng 6. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão Yagi, nguồn cung thịt heo tại khu vực phía Bắc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức về giá đầu vào tăng cao nhưng vẫn cam kết không điều chỉnh giá bán. “Là một trong những đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá, chúng tôi chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để giữ giá không tăng, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thực phẩm tươi sống trong dịp Tết”, ông Dũng nói.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Ba Huân, cho biết, doanh nghiệp đã tham gia chương trình bình ổn giá hơn 20 năm qua và đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết 2025. “Dù sức mua hiện tại còn chậm do tình hình kinh tế khó khăn, Ba Huân vẫn giữ kế hoạch tăng nguồn cung khoảng 10% so với năm ngoái để đảm bảo lượng trứng, thịt và các mặt hàng thực phẩm khác luôn sẵn có, đáp ứng nhu cầu cao của người dân trong những ngày Tết”, bà Huân chia sẻ.
Trong bối cảnh thời tiết thất thường, nhiều khu vực bị ngập lụt ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung thực phẩm có thể bị biến động. Tuy nhiên, Ba Huân cam kết duy trì giá ổn định, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh để tham gia vào các chương trình hỗ trợ tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân đón Tết an vui.
Trong khi đó, Central Retail Việt Nam đã định hướng ưu tiên hợp tác với các nhà cung cấp đạt chuẩn OCOP từ 4 sao trở lên và có quy trình sản xuất bền vững. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông của tập đoàn, cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh, sạch và có quy trình sản xuất an toàn. Chúng tôi tích cực hỗ trợ các đối tác cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường, nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho khách hàng, thu hút họ quay lại trong mùa Tết”.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Sở đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu vào cuối tháng 9 vừa qua, nhằm chuẩn bị lượng hàng hóa đủ đầy cho dịp Tết. Ông Vũ cho biết: “Trong năm qua, thành phố chỉ có hai lần điều chỉnh giá theo chương trình bình ổn thị trường, với mức điều chỉnh rất nhỏ, đảm bảo sự ổn định cho chỉ số giá tiêu dùng”. Sở Công Thương kỳ vọng các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ tiếp tục đồng hành để giúp người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do thiên tai.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và đánh giá nguồn cung ứng cũng như nhu cầu thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng gia cầm, rau củ quả, cùng các sản phẩm có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát… Sở sẽ chủ động xây dựng các phương án và đề xuất giải pháp với các cơ quan chức năng để đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, ngăn chặn nguy cơ thiếu hàng hay gián đoạn nguồn cung gây biến động giá bất thường.
Song song đó, Sở phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối trên địa bàn, khuyến khích các đơn vị áp dụng mức chiết khấu ưu đãi. Với những nỗ lực từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp, người dân nói riêng và cả nước nói chung hoàn toàn có thể yên tâm đón Tết Ất Tỵ 2025 với nguồn cung hàng hóa ổn định, giá cả hợp lý, từ đó mang lại không khí Tết sum vầy và ấm cúng bên gia đình.