Muốn đáp ứng được các nhu cầu của khách du lịch sang trọng, cần mang đến cho họ 5C gồm: Culture (Văn hóa), Cuisine (Ẩm thực), Customization (Cá nhân hóa), Community (Cộng đồng), Content (Độc đáo).
Một chuyến đi đáng nhớ, một trải nghiệm thực sự sâu sắc, một bất ngờ thú vị, phong phú trong nhận thức sẽ quan trọng hơn rất nhiều cảm giác thụ hưởng những tiện ích ở những khách sạn 5, 6 sao. Cảm xúc của du khách quyết định chất lượng sản phẩm. Nếu thực sự cảm thấy ấn tượng và “phiêu,” họ sẽ không tiếc tiền chi cho dịch vụ. Đó chính là du lịch cao cấp.
Vậy làm thế nào để thu hút dòng khách sang, kích thích họ sẵn sàng rút hầu bao “mua” những cảm xúc trải nghiệm đẹp cho ngành du lịch Việt?
Nhiều dư địa du lịch độc quyền và cá nhân hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, kết quả một nghiên cứu cho thấy quy mô thị trường du lịch hạng sang (luxury tourism) toàn cầu đạt trên 2.100 tỷ USD vào năm 2023. Con số này được kỳ vọng sẽ đạt trên 3.000 tỷ USD vào năm 2032, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4% trong giai đoạn 2024-2032.
Với điểm đến du lịch hàng đầu thế giới là châu Âu, loại hình du lịch này hiện chỉ chiếm khoảng 2% lượng khách, nhưng mức chi tiêu du lịch chiếm tới 22% (khoảng 130-170 tỷ Euro)
Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để khai thác nhằm phục hồi, phát triển mạnh mẽ du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Mặc dù khẳng định du lịch cao cấp là loại hình du lịch có tốc độ phát triển nhanh trong ngành du lịch toàn cầu, đem lại doanh thu cao và hiệu quả, song Thứ trưởng cho rằng quan trọng hơn các con số vẫn là chất lượng khách đến. Làm sao để khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn… khi ở Việt Nam mới là việc cần bàn.
Thời gian qua, Việt Nam “vụt sáng” trở thành điểm đến của các vị khách tỉ phú thế giới đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng; thu hút nhiều cặp đôi giới siêu giàu Ấn Độ đến tổ chức đám cưới tại các khu nghỉ dưỡng biển biệt lập, sang trọng…
Đặc biệt, việc nhiều chính khách, người nổi tiếng, giới thượng lưu thế giới lựa chọn Việt Nam đã tác động tích cực, rộng rãi ở phạm vi quốc tế đối với hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam, khẳng định Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu dịch vụ du lịch cao cấp khắt khe, trải nghiệm du lịch độc đáo cho giới tinh hoa.
“Ba tháng cuối năm là mùa cao điểm đón khách quốc tế. Vì thế, đây là thời điểm vàng để chúng ta nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, qua đó có những dự báo cho hướng đi sắp tới, hiệu quả hơn, đặc biệt ở phân khúc khách du lịch cao cấp đến Việt Nam,” Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh
Nhận định trải nghiệm du lịch độc quyền và cá nhân hóa có nhu cầu ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng khách du lịch cao cấp đang có xu hướng tìm kiếm các lựa chọn du lịch sang trọng, sẵn sàng chi trả để có được những sản phẩm, dịch vụ ưng ý.
Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá các vùng đất mới, văn hóa địa phương một cách độc đáo, sâu sắc của từng nhóm khách, nhiều dịch vụ, chương trình du lịch ở Việt Nam đã được thiết kế theo phương thức cá biệt hóa.
Tiêu biểu như tour khám phá, chinh phục hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, dù kén khách và có mức giá khá cao nhưng thường kín chỗ đặt trước ngay từ khi mở bán online vào dịp đầu năm.
Theo nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Oxalis Group (đơn vị độc quyền khai thác tour Sơn Đoòng) ông Nguyễn Châu Á, hiện đã phát hiện 45 hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng con số đó chỉ chiếm 30% số hang động có ở đây. Đặc biệt, tour du lịch này chỉ dành cho các nhà ưa mạo hiểm khám phá, chứ không đại trà. Đến nay, Sơn Đoòng đã đón hơn 50.000 lượt khách, đưa Việt Nam trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm lớn nhất châu Á.
“Để phục vụ mỗi tour khám phá hang Sơn Đoòng 10 khách, chúng tôi cần 30 nhân viên phục vụ để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho khách, bao gồm: 1 chuyên gia hang động, 1 hướng dẫn viên du lịch, 5 trợ lý an toàn, 1 kiểm lâm, 2 đầu bếp và 20 người mang hành lý,” ông Châu Á cho biết.
Sản phẩm du lịch cao cấp này không chỉ mang lại lợi nhuận đều đặn cho đơn vị khai thác, góp phần tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương, mà điều quan trọng hơn là đã xây dựng thương hiệu du lịch cho Quảng Bình cũng như đưa thám hiểm hang động và Phong Nha-Kẻ Bàng ra với thế giới.
Ngoài ra, tour trực thăng bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long, Thành phố Hồ Chí Minh từ trên cao hay các dự án kết hợp giữa du lịch với âm nhạc, nghệ thuật du lịch golf, du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng tàu biển, du lịch chăm sóc sức khỏe… đều có nhiều tiềm năng thu hút khách quốc tế có chi tiêu cao.
Chạm tới cảm xúc du khách bằng “5C”
Để thu hút phân khúc khách cao cấp, tệp khách hàng luôn yêu cầu sản phẩm riêng biệt, cá nhân hóa đến Việt Nam, Phó Tổng giám đốc kinh doanh và marketing Công ty Cổ phần Vinpearl, bà Ngô Thị Hương chia sẻ doanh nghiệp luôn hướng tới mục tiêu một điểm đến đa trải nghiệm, đặc biệt là những trải nghiệm lần đầu tiên có ở Việt Nam. Ngoài ra, phải đảm bảo yếu tố an toàn cho du khách.
Theo bà Ngô Thị Hương, ẩm thực độc đáo sẽ tạo sức hút với dòng khách sang. Bên cạnh đó, du khách cũng ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ở một số thị trường, khách còn quan tâm tới du lịch xanh; riêng khách Hàn Quốc rất ưa chuộng golf. Đáng chú ý, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng tăng.
“Năm 2024, Vinpearl đã đón hơn 10 đám cưới tỉ phú Ấn Độ và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2025. Việt Nam đang trở thành điểm đến đám cưới, du lịch MICE, du lịch golf khá nổi bật trên thế giới,” bà Hương cho hay.
Trong khi đó, đại diện Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Oxford, ông Liam Cordingly, nhấn mạnh thị trường du lịch cao cấp có hạn và tính cạnh tranh cao. “Trong một cuộc khảo sát của chúng tôi với 1.800 du khách tiềm năng từ 5 thị trường gửi khách lớn nhất tới Đông Nam Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Mỹ và Vương quốc Anh, có thể thấy dịch vụ ẩm thực là một trong những động lực lớn thúc đẩy họ lựa chọn điểm đến… Đặc biệt, khách cao cấp là những người có tỷ lệ quan tâm đến ẩm thực nhiều hơn so với tệp khách trung lưu và bình dân.
Để phát triển thị trường khách cao cấp, ông Liam Cordingly khuyến nghị cần chú trọng phát triển trải nghiệm ẩm thực cao cấp, gồm cả xây dựng chuỗi cung ứng thiết yếu trong và ngoài nước, qua đó cải thiện chất lượng trải nghiệm du lịch; cần tạo điều kiện để các sản phẩm, nhà hàng và quán bar chất lượng cao được hoạt động hợp pháp; chú trọng yếu tố an toàn và đáng tin cậy của ẩm thực là yếu tố cốt lõi quyết định hình ảnh và uy tín của điểm du lịch…
Những năm tới đây, du lịch golf Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bước sang trang mới, trở thành “gà đẻ trứng vàng,” điểm đến hút dòng khách hạng sang của thế giới.
Các chuyên gia cho rằng muốn đáp ứng được các nhu cầu của khách du lịch sang trọng, doanh nghiệp lữ hành cần mang đến cho họ 5C gồm: Culture (Văn hóa), Cuisine (Ẩm thực), Customization (Cá nhân hóa), Community (Cộng đồng), Content (Độc đáo). Các chương trình du lịch nếu hội đủ năm yếu tố trên sẽ thu hút và làm hài lòng những du khách khó tính nhất.
Về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần có giải pháp đồng bộ cho “bài toán” thu hút dòng khách cao cấp; trong đó phải nghiên cứu thị trường, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như có các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, ngành và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần triển khai các chiến dịch quảng bá có chiều sâu tập trung vào phân khúc thị trường, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp của Việt Nam; tranh thủ hiệu ứng truyền thông từ các chuyến đi của những người nổi tiếng thế giới để quảng bá cho du lịch nước nhà; tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt hành vi tiêu dùng, mong muốn của dòng khách cao cấp ở từng thị trường để có chiến lược truyền thông, xây dựng và định vị hình ảnh phù hợp.
Vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/can-nhung-diem-cham-cam-xuc-nao-de-thu-hut-khach-du-lich-cao-cap-den-viet-nam-post986670.vnp