(HCM CityWeb) – Sáng 22/9, Ngày hội lớn của cộng đồng công nghệ nghệ thuật sáng tạo ArtTech Fusion 2024 với chủ đề “New ArtTech For Future Generations” (ArtTech – Sự kết hợp mới cho thế hệ tương lai vì sự bền vững) đã khai mạc tại Cơ sở A và Cơ sở B – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH).
GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TP HCM, phát biểu khai mạc chuỗi hoạt động quốc tế ARTTECH 2024 |
Với sự tham gia đồng tổ chức của 11 trường đối tác quốc tế Á – Âu – Mỹ, Chương trình có hơn 30 hoạt động học thuật, thực tiễn, các công nghệ mới nhất như NFT, trí tuệ nhân tạo, chiến lược thiết kế hậu kỹ thuật số, ngôn ngữ lập trình trực quan, tương tác thời gian thực,.. giao thoa với nghệ thuật tạo nên giá trị cho tương lai bền vững cũng được giải mã!
Phát biểu khai mạc chuỗi hoạt động quốc tế ARTTECH 2024, GS.TS. Nguyễn Đông Phong cho biết, nằm trong xu thế phát triển của lĩnh vực Công nghệ nghệ thuật, chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion ra đời và được tổ chức thường niên do ArtTech Hub, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh đăng cai và phối hợp tổ chức cùng các đơn vị trong và ngoài nước. Đây là diễn đàn kết nối các trường đại học trong và ngoài nước, giảng viên, sinh viên, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp, chính quyền, cùng cộng đồng yêu thích lĩnh vực Công nghệ nghệ thuật.
ATF24 không chỉ là các sự kiện và triển lãm về nghệ thuật mà còn là nơi kết nối quốc tế, diễn đàn khoa học lẫn thực tiễn giúp, kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của công nghệ trong việc khai thác và làm rõ quyền năng của nghệ thuật, trong việc kết nối con người và thúc đẩy sự sáng tạo hướng tới một tương lai tươi sáng, bền vững hơn.
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại phiên thảo luận |
GS.TS. Nguyễn Đông Phong nhấn mạnh, “Tinh thần của ATF là tinh thần của sự hợp tác, sáng tạo, sự tích hợp công nghệ và nghệ thuật hướng tới một tương lai bền vững, nơi con người là trung tâm của sự phát triển. Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp này để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”.
Tại phiên thảo luận, PGS. Trịnh Thùy Anh (UEH) cùng các giáo sư, chuyên gia quốc tế đã thảo luận về sự cần thiết của hợp tác để xây dựng một cộng đồng ArtTech hướng đến giải quyết các vấn đề bền vững. Nội dung xoay quanh cách thức cộng đồng ArtTech tại Việt Nam đang hợp tác để phát triển các giải pháp công nghệ nghệ thuật nhằm giải quyết các vấn đề bền vững tại địa phương. Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật tại Ý, Macao để xây dựng cộng đồng ArtTech, đồng thời hướng đến các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức về bền vững.
GS. Martin Kaltenbrunner (Đại học Arts Linz, Áo) chia sẻ góc nhìn thấu đáo và đầy tham vọng về tương lai của nghệ thuật truyền thông trong kỷ nguyên hậu kỹ thuật số. Xem xét cách các phương pháp thiết kế hiện đại, sau giai đoạn kỹ thuật số bùng nổ, được áp dụng trong sáng tạo và nghệ thuật tại Áo như thế nào? Song song đó, GS. Kaltenbrunner giới thiệu khái niệm “thiết kế hậu kỹ thuật số” (postdigital design), một cách tiếp cận mới trong việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật truyền thông kết hợp giữa công nghệ số và kỹ thuật thủ công truyền thống. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa sự tinh tế của các phương pháp thủ công và sức mạnh của công cụ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo. Một phần quan trọng của bài thuyết trình sẽ tập trung vào vai trò của “vật thể hữu hình” (tangible objects) trong nghệ thuật truyền thông hậu kỹ thuật số.
Không gian “Saigon Culture”, minh hoạ Sài Gòn dưới góc nhìn của các UEHers được phác họa qua những lát cắt của thời gian theo hành trình lịch sử phát triển của Sài Gòn |
Bên cạnh đó, GS. Kaltenbrunner chia sẻ về cách các vật thể vật lý có thể được tích hợp với công nghệ tương tác để tạo ra trải nghiệm đa giác quan cho người xem. Ông sử dụng các ví dụ từ các dự án nghệ thuật tiêu biểu của mình, chẳng hạn như Reactable, để minh họa tiềm năng của cách tiếp cận này.
GS. Carsten Baumgarth (Đức) đã giải mã bí ẩn đằng sau sự giao thoa giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật, từ đó đưa ra những nhận định về tác động của AI trong nghệ thuật kỹ thuật số. The Art Infusion Effect – Hiệu ứng Nghệ thuật Lan tỏa là một khái niệm gần như kinh điển trong thiết kế sản phẩm, tiếp thị và quản lý thương hiệu. Hiệu ứng này đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm, chỉ ra rằng việc tích hợp nghệ thuật vào thiết kế sản phẩm, bao bì, quảng cáo,… sẽ tự động dẫn đến đánh giá tích cực hơn về sản phẩm hoặc thương hiệu. Tuy nhiên, ngày nay, nghệ thuật ngày càng được tạo ra một cách kỹ thuật số và trong một số trường hợp, hoàn toàn bởi Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Xuyên suốt hành trình ATF24 trong 03 ngày (22-24/10/2024) là hơn 30 hoạt động học thuật, thực tiễn gồm 05 bài tham luận chính (Keynote Speeches), 10 phiên thảo luận đặc biệt (Special Sessions), 05 phiên thảo luận song song (Parallel sessions), 05 Workshops, 01 ấn phẩm sách học thuật (Book Chapter), 09 triển lãm (Exhibitions), 01 chuyến kết nối di sản (Heritage Connection Trip), 01 buổi biểu diễn nghệ thuật (Tangible Performance).
ZUKI
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/khai-mac-chuoi-arttech-fusion-2024-atf24?redirect=%2Fdanh-sach-tin-tuc%3Fp_p_id%3Dcom_liferay_asset_publisher_web_portlet_AssetPublisherPortlet_INSTANCE_JwomgnjC3ziK%26p_p_lifecycle%3D0%26p_p_state%3Dnormal%26p_p_mode%3Dview%26p_r_p_subCategoryIds%3D42249%252C395884%26p_r_p_categoryId%3D42249%26p_p_auth%3DTUOtzGra