Nhận lời mời của Chủ tịch Duma Quốc gia, Quốc hội Liên bang, Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin và Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Quốc hội Liên bang, Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga từ ngày 8 đến 10/9/2024.
Diễn ra vào dịp Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, 12 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025, chuyến thăm đánh dấu một sự kiện đối ngoại quan trọng của cả hai nước, góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đây cũng là dịp để lãnh đạo hai nước cùng nhìn lại chặng đường hợp tác hơn 70 năm qua với những thành tựu đáng tự hào, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển toàn diện, chặt chẽ cả về bề rộng lẫn bề sâu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm thiếu nhi Việt Nam và Liên Xô tại trại hè quốc tế ở Tukovo, cách thủ đô Moskva 90km về phía đông, năm 1957. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Dấu ấn sâu sắc trong hơn bảy thập niên hợp tác
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây), Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm và tin cậy, ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ…
Hơn 70 năm trước, vào năm 1950, Liên Xô trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ của Liên Xô đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga, tuy xa cách về địa lý, nhưng luôn gần gũi về tâm hồn và lòng yêu nước nồng nàn, đã đồng hành, cùng nhau vượt qua vô vàn khó khăn và thử thách. Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên bang Nga.
Tháng 3/2001, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Liên bang Nga, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Tháng 7/2012, hai nước quyết định nâng tầm quan hệ bằng việc xác lập khuôn khổ hợp tác mới là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tại Hà Nội, năm 2001. (Ảnh: TTXVN)
Trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Nga duy trì sự tin cậy cao và ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm các cấp, nhất là cấp cao. Đảng ta cũng duy trì hợp tác với một số chính đảng lớn ở Nga như Đảng Nước Nga thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga…
Hai bên tiếp tục khẳng định sự coi trọng, quyết tâm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, mong muốn củng cố hợp tác song phương trên cơ sở tin cậy và cùng có lợi. Việt Nam và Nga cũng duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng…
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, Việt Nam và Nga duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà Nga là thành viên, có hiệu lực từ năm 2016. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại…
Chuyên gia Nga và Việt Nam tại phòng điều khiển nhận và xuất dầu trên tàu Vietsovpetro-01. (Ảnh: TTXVN)
Về lĩnh vực hợp tác giáo dục-đào tạo, trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại LB Nga.
Hợp tác khoa học-công nghệ tiếp tục được duy trì. Hai nước đã thực hiện các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Hai bên đang triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân.
Hai nước cũng triển khai tích cực hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch với việc tổ chức thường niên và luân phiên những Ngày Văn hóa tại mỗi nước.
Hợp tác địa phương là kênh quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng thực chất hơn. Tháng 6/2023, Việt Nam đã khánh thành Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Saint Petersburg nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến thành phố Petrograd (nay là Saint Petersburg); tháng 4/2024, tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk đã khánh thành Tượng Lenin tại thành phố Vinh.
Trên trường quốc tế, Việt Nam và Liên bang Nga luôn hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…
Tình cảm gắn bó giữa hai đất nước Việt Nam và Liên bang Nga không chỉ xuất phát từ sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ về chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân hai nước, thể hiện qua sự giao lưu văn hóa. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao của những tên tuổi lớn của nước Nga đã trở nên hết sức quen thuộc đối với người Việt Nam.
Những kết quả tích cực nêu trên chính là tiền đề để đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, vì lợi ích chung của hai dân tộc.
Việt Nam là một nền văn minh lâu đời, rực rỡ và độc lập trong bức tranh toàn cảnh của một thế giới đa cực. Trên trường quốc tế, Hà Nội theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và ủng hộ mạnh mẽ trật tự thế giới công bằng dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Chúng tôi đánh giá cao việc hai nước chúng ta có cách tiếp cận tương đồng hoặc gần gũi về các vấn đề cấp thiết và quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. Hai nước chúng ta phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương then chốt, trước hết là Liên hợp quốc.
– Tổng thống Nga Vladimir Putin
Nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Năm 2024, Việt Nam và Nga kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị và 12 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2025 cũng là một năm có ý nghĩa lớn khi Việt Nam và Nga kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh: Lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga đều nhất trí cho rằng trong nhiều năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển toàn diện, mạnh mẽ và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi khẳng định, hợp tác giữa hai nước thời gian qua rất hiệu quả, ngày càng đa dạng, thực chất và là những cơ sở quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đại sứ Đặng Minh Khôi đề xuất Việt Nam và Nga khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu mà Nga là thành viên, qua đó đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của mỗi nước và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng hàng hoá tại khu vực. Doanh nghiệp hai nước cần tận dụng tốt hơn các lợi thế và cơ hội để tăng cường đầu tư, sản xuất hàng hóa tại thị trường của nhau.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, tại Hà Nội, chiều 20/6/2024. (Ảnh: TTXVN)
Tiến sĩ Ivan Nikolaievich Timofeev – Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) nhấn mạnh, là một trong những đối tác quan trọng của Nga trên trường quốc tế, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và thị trường rộng lớn. Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu và điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế của hai bên.
Trên cơ sở những thành quả đã đạt được và sự tin cậy chính trị cao, Việt Nam và Liên bang Nga kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, với mức độ tin cậy, thực chất và hiệu quả ngày càng cao.
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam ngay sau khi Nga tổ chức thành công bầu cử Tổng thống và kiện toàn Chính phủ; ngay sau chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6/2024.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, tại Nhà Quốc hội, chiều 6/8/2024. (Ảnh: TTXVN)
Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Liên bang Nga; khẳng định hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước là kênh hợp tác quan trọng trong tổng thể quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, đặc biệt là vai trò của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước, cơ chế Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia, Quốc hội Liên bang Nga; tăng cường trao đổi hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội Việt Nam với các cơ quan tương ứng của Hội đồng Liên bang, Quốc hội Liên bang Nga và Duma Quốc gia, Quốc hội Liên bang Nga.
Đây cũng là dịp để các lãnh đạo và nhân dân hai nước cùng tôn vinh những thành tựu hợp tác trong quá khứ, đồng thời tiếp tục nỗ lực đồng hành, kết nối cùng phát triển trong tương lai, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng phát triển tốt đẹp, gặt hái nhiều thành quả hơn nữa.
Ngày xuất bản: 8/9/2024
Chỉ đạo thực hiện: Bích Hạnh – Trường Sơn
Nội dung: Minh Hằng – Nguyễn Hà
Trình bày: Nhã Nam
Tài liệu: Theo Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao và TTXVN
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-tham-nga/index.html