(HTV) – Với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, với những điều khoản về đình chỉ chiến sự, tập kết, và chuyển quân giữa hai miền Bắc – Nam.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết
Với tầm nhìn xa trông rộng, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và đưa hàng ngàn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc, với mục tiêu là xây dựng đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng cả nước sau này.
Nhà văn – Giáo sư Trình Quang Phú chia sẻ, Bác luôn nói rằng, dù 5 năm, 10 năm, 15 năm thì dứt khoát 20 năm nữa chúng ta cũng sẽ thắng Mỹ, khi chiến thắng rồi thì chúng ta sẽ cần con người để xây dựng đất nước. Đó là tầm nhìn rất xa của Bác, yếu tố quyết định của việc chiến đấu và xây dựng là phải có con người.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, yếu tố quyết định của việc chiến đấu và xây dựng là phải có con người
Trong thư thăm hỏi, động viên và căn dặn gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc, ngày 21/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Sự động viên kịp thời của Người đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng “ngọn lửa đoàn kết dân tộc”.
Nhìn lại giá trị lịch sử qua 70 năm – sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954
Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền Nam. Người ở lại giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khát vọng thống nhất đất nước đã giúp tất cả thêm mạnh mẽ, can trường, dẫu trước mắt là xa nhau và biết bao gian khó còn trùng trùng vây bủa.
Hàng trăm ngàn học sinh, cán bộ, chiến sĩ miền Nam xa quê ra Bắc tập kết cùng hàng triệu người thân của họ còn ở lại quê nhà năm đó, tất cả đều tin tưởng, hy vọng rằng tháng 7 năm 1956, tổng tuyển cử thành công, đất nước thống nhất họ sẽ được đoàn tụ. Thế nhưng Hiệp định Genève bị hủy bỏ, lời hẹn ước 2 năm trở thành cuộc chia ly kéo dài hơn 2 thập kỷ.
70 năm đã trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử
Nhà văn – Giáo sư Trình Quang Phú cho biết, năm đó tập kết ông mới 15 tuổi, lúc ra đi quyến luyến lắm. Đi tập kết, ông nghĩ 2 năm sẽ trở về nhưng không ngờ chia cách đó kéo dài hơn 20 năm và chúng ta đã chiến đấu hơn 20 năm để giành độc lập cho đất nước. Khi ở làng của huyện Quảng Xương, nhân dân Thanh Hóa rất thương yêu con em miền Nam, dành cho con em những chỗ ấm nhất, sinh hoạt để bớt nhớ nhà. Tình cảm của miền Bắc đối với học sinh, cán bộ miền Nam rất thân ái, đã làm cho mọi người hòa nhập, vì vậy có thể ở lại đến hơn 20 năm.
70 năm đã trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời.
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình Cầu Truyền hình “Niềm tin và Khát vọng” được truyền hình trực tiếp vào lúc 18 giờ ngày 01/9/2024 trên kênh HTV9, TTV và THĐT, đồng thời được tiếp sóng trên các đài phát thanh truyền hình trong cả nước.
Nguồn: https://htv.com.vn/cau-truyen-hinh-niem-tin-va-khat-vong-chuyen-tau-tap-ket-chuyen-tau-nghia-tinh