(HCM CityWeb) – Ngày 24/8, UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia cho định hướng phát triển kinh tế – xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2026-2030.
Tham dự và chủ trì hội thảo có Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi và các Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Ngọc Hải, Võ Văn Hoan, Bùi Xuân Cường, Trần Thị Diệu Thúy.
Toàn cảnh hội thảo |
Mong muốn đón nhận được nhiều góp ý kiến của các chuyên gia cho phát triển kinh tế – xã hội Thành phố
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến chuyên gia để góp ý cho văn kiện kinh tế – xã hội của Thành phố trình Đại hội XII của Thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030.
Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin, quá trình chuẩn bị văn kiện của Trung ương và của TP. Hồ Chí Minh đến nay đã có dự thảo 1. Tuy nhiên, tại hội thảo này Thường trực UBND Thành phố mong muốn các đại biểu đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc tại hội thảo |
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố mong muốn đón nhận được nhiều góp ý kiến của các chuyên gia đề xuất chính sách nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có tính ưu tiên, khả thi và hiệu quả cao cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội Thành phố.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cũng đề nghị, ngoài trình bày của chuyên gia, hội thảo cũng lựa chọn những điểm đưa vào hai văn kiện: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Thành phố đến năm 2030 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Đây sẽ là định hướng cho Thành phố trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội thảo, Thường trực UBND Thành phố và các chuyên gia đã chia nhóm thảo luận với 04 chủ đề trọng tâm: Kinh tế, đầu tư công, huy động vốn đầu tư xã hội; Quy hoạch, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng; Văn hóa, xã hội, phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện thể chế, tổ chức, bộ máy.
Giải ngân đầu tư công sẽ kích thích vốn đầu tư xã hội, làm bệ phóng cho tăng trưởng
TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội phát biểu tại hội thảo |
Chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận Kinh tế, đầu tư công, huy động vốn đầu tư xã hội, TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cho rằng, cần lấy mục tiêu năm 2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị để lý giải bài toán phát triển TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2026-2030 với 3 quan điểm lớn là “Tận dụng thời cơ – khai thác nguồn lực – tăng trưởng nhanh, bền vững”.
TS. Trần Du Lịch diễn giải, 3 quan điểm lớn tức là tiếp cận theo bài toán ngược để định hình chính sách và giải pháp phát triển với quyết tâm chính trị cao nhất, để vừa giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang tồn tại, vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng Thành phố toàn cầu, ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới.
TS. Trần Du Lịch cho biết, giai đoạn 2026-2035, Thành phố cùng cả nước cần tận dụng nguồn nhân lực trẻ trước khi bước vào giai đoạn già hóa kinh tế và cơ hội khác nữa là Việt Nam là một đất nước hòa bình trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn. Cùng đó, Việt Nam có tiềm năng để phát triển các ngành công nghệ cao như phần mềm, chip bán dẫn… Các ngành này sẽ góp phần để Thành phố chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và đi đầu cả nước. Đây sẽ là những ngành có khả năng tăng năng suất 30-40% mỗi năm chứ không phải các ngành truyền thống
Trong 05 năm tới, TS Trần Du Lịch cho rằng, Thành phố cần tập trung là chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó Thành phố cần tập trung xử lý toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, chỉnh trang các khu dân cư ở các con hẻm sâu thiếu an toàn và không gian sống; hoàn thiện thể chế quản lý hướng tới mô hình chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả và cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh đầu tư hạ tầng đô thị …
Ngoài ra, để đạt mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh cần phải đổi mới tư duy, giải bài toán với cơ chế khác, cách làm khác….
PGS.TS Trần Hoàng Ngân – trợ lý Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo |
Nhấn mạnh vai trò về việc thu hút vốn đầu tư xã hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – trợ lý Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng vốn đầu tư xã hội của Thành phố giai đoạn 2011-2015 là 1,1 triệu tỉ đồng, bình quân mỗi năm là 238.000 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2016-2020 vốn đầu tư xã hội là 1,9 triệu tỉ, bình quân mỗi năm là 390.000 tỉ đồng. 03 năm qua, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 335.000 tỉ đồng.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, vốn đầu tư là đòn bẩy, quyết định đến 40% tăng trưởng. Nếu vốn giảm nhưng GRDP vẫn tăng thì hiệu quả sử dụng vốn rất tốt. Nhưng vấn đề ở đây là giảm vốn nhưng tăng trưởng không bằng các năm thì phải xem xét lại tính hiệu quả. Giải pháp tăng vốn đầu tư xã hội là rất quan trọng.
Từ nay đến hết năm 2025, TP.Hồ Chí Minh cần tiêu dùng 170.000 tỉ đồng đầu tư công để kích thích vốn đầu tư xã hội. Nếu giải ngân được hết sẽ tạo ra kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, làm bệ phóng cho tăng trưởng.
Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng phát biểu tại hội thảo |
Cục trưởng Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, thời gian qua năng suất lao động Thành phố không ngừng tăng lên, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng năng suất chậm lại. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố chậm lại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố đã bão hòa.
Việc chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành với nhau không còn hiệu quả thậm chí làm kéo giảm năng suất lao động Thành phố, do vậy việc tăng năng suất lao động nên chú ý việc cải thiện năng suất trong chính từng ngành, không nên khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành vì cơ cấu kinh tế Thành phố đã đạt ngưỡng.
Sự tăng trưởng chậm lại cũng kéo theo vốn đầu tư xã hội có xu hướng giảm từ 31% xuống còn 22,6%. Mức giảm này do hiệu quả sử dụng vốn còn khá yếu. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, để có 1 đồng giá trị thì cần 4,8 đồng vốn và giai đoạn 2016-2019 là cần 4,9 đồng, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn không cải thiện… Ông Hoàng cho rằng cần đánh giá lại tính hiệu quả của vốn đầu tư hiện nay, vì việc này là một trong những nguyên nhân kéo giảm thu nhập bình quân đầu người của Thành phố.
Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Hoàng cũng nêu các nhóm chính sách, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, như: đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ; huy động nguồn lực vốn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; chính quyền Thành phố và liên kết vùng.
TP.Hồ Chí Minh phải tự mình vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi phát biểu tổng kết tại hội thảo |
Phát biểu tổng kết, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đánh giá cao và bày tỏ sự cảm ơn trân trọng với các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp tại hội thảo.
Dẫn Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết mục tiêu đến năm 2030 là TP.Hồ Chí Minh trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, để TP.Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu này và đạt được ở mức nào trong yếu tố “văn minh – hiện đại” cần có những định lượng về mục tiêu, từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chia sẻ thêm, theo các tổ chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, Việt Nam còn 10 năm nữa để quyết định việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay vẫn “luẩn quẩn ở tầng dưới”. Do đó, Thành phố cần tìm ra những điểm nghẽn, vấn đề then chốt cần thay đổi để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn này và đóng góp cùng cả nước thoát bẫy thu nhập trung bình.
“Thành phố cần đặt ra mục tiêu đủ thách thức và cả tiêu chuẩn để thực hiện. Đó là Thành phố cần kiên trì và quyết tâm vượt ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình và góp phần cùng với cả nước là vượt ra bẫy thu nhập trung bình”. Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu rõ.
Thông tin về định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, trong 2025 – 2030 kinh tế Thành phố phải tăng trưởng 9% và phải tiến hành hàng loạt các công việc từ huy động vốn đầu tư xã hội. Để hoàn thành mục tiêu, Thành phố phải có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực hấp thụ vốn đầu tư thông qua cải cách mạnh mẽ hơn, năng lực thực thi của bộ máy, của đội ngũ.
Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định: “Chúng ta phải tái cơ cấu lại nền kinh tế của Thành phố và theo hướng công nghệ cao dịch vụ hiện đại giá trị gia tăng cao. Chúng ta cũng chọn những vấn đề trọng tâm, những công việc rất là cụ thể, những công trình dự án cụ thể để tập trung thực hiện bằng được từ đây đến cuối nhiệm kỳ 2025 và cho nhiệm kỳ XII nhiệm kỳ 2025 – 2030″.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, Thành phố cần phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, phải xác định được trọng tâm và có những giải pháp đột phá đồng bộ mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ sự tin tưởng Thành phố có đủ điều kiện để thực hiện các mục tiêu này.
Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ, có những vấn đề Thành phố phải tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách có những nội dung Thành phố phải đề nghị thí điểm cơ chế thực thi có kiểm soát. Như vậy, Thành phố vừa tự mình làm vừa kiến nghị với Trung ương. Theo Chủ tịch UBND Thành phố, nếu không vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong 10 năm thì sẽ khó có cơ hội. Đó là vấn đề thời cơ, thời điểm nếu không tận dụng được thì sẽ rất khó có cơ hội làm được.
Thanh Mai
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/tp-ho-chi-minh-phai-tu-minh-vuot-ra-khoi-cai-bay-thu-nhap-trung-binh?redirect=%2Fchinh-quyen