Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, và thiếu vốn đầu tư đã hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp làng nghề trên thị trường.
Khó trăm bề nhưng không bỏ nghề
Việt Nam được biết đến với nền văn hóa làng nghề phong phú và đa dạng, từ nghề gốm sứ, mộc, thêu thùa, đến sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Trong đó, Hà Nội được mệnh danh là “Đất trăm nghề” với tổng số làng nghề chiếm 56% cả nước.
Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề do UBND Thành phố được tổ chức sáng 5/7, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được Thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp làng nghề đang phải đối mặt hiện nay là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển và mở rộng sản xuất.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, hàng chục doanh nghiệp đã bày tỏ vướng mắc mà họ đang gặp phải và đưa ra những kiến nghị về quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; các cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề về vốn vay, đào tạo… và nhóm vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.
Chia sẻ về những khó khăn về nguồn vốn mà bấy lâu nay chưa được giải quyết, bà Nguyễn Thị Lương, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) – đơn vị chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ với 95% hàng được xuất khẩu thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ cho biết, thời gian qua, Công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của Thành phố trong đào tạo nghề, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ 100% về thuế suất nên các thủ tục nhanh gọn, thuận lợi…
Tuy nhiên, Công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất. Bà Lương kiến nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế.
Việc thiếu hụt mặt bằng sản xuất không chỉ làm giảm khả năng mở rộng quy mô kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng. Chi phí vận chuyển cao cũng là một gánh nặng tài chính đáng kể, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn này là rất cần thiết để các doanh nghiệp làng nghề có thể phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lương, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) nêu ý kiến tại Hội nghị. |
Tương tự, ông Đồng Quang Chính, Giám đốc Hợp tác xã Đức Anh cũng trình bày những khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, trong hoạt động kết nối giao thương… và đề nghị Thành phố tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại…
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thăng Long (thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) cũng cho biết, mặc dù Công ty đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Do đó, ông Thắng mong muốn Thành phố tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành nghề để Công ty có thể mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển các kênh phân phối mới.
Phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp làng nghề, đại diện các sở, ngành Thành phố đã giải đáp các vướng mắc. Trả lời về vấn đề vốn vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho hay, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh các giải pháp có tính khả thi đối với các gói tín dụng, chính sách ưu đãi góp phần hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, Ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị tháo gỡ về vốn cho các doanh nghiệp, làng nghề; có chính sách, cơ chế điều chỉnh giãn, giảm thuế, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho các doanh nghiệp. Ngân hàng đã và đang có các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay; có những sản phẩm gói tín dụng, sản phẩm vay ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề có thể tiếp cận…
Giải đáp những vướng mắc của bà Nguyễn Thị Lương, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại nước ngoài được hỗ trợ theo 2 hình thức: Nếu doanh nghiệp tham gia có gian hàng sẽ được hỗ trợ 100% chi phí; Nếu doanh nghiệp tham gia hội chợ nhưng không có gian hàng sẽ được hỗ trợ vé máy bay…
Liên quan đến Cụm công nghiệp Phú Túc, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp. Hiện có 26 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong xã đã đăng ký hoạt động trong cụm này. “Mong muốn huyện Phú Xuyên tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào Cụm công nghiệp. Sở Công thương luôn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề”, Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố Hà Nội giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị. |
Liên quan đến vấn đề xúc tiến, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố Hà Nội cho biết, công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND Thành phố giao Trung tâm.
Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Tại các hội chợ này Trung tâm đã xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm tới du khách cũng như doanh nghiệp, hệ thống phân phối, các nhà nhập khẩu. Với mục đích trên, kết quả đều mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, đầu năm 2024, Trung tâm đã tổ chức hội chợ xúc tiến tại Lào, trong đó gần chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã tham gia và được giới thiệu, quảng bá đến nhân dân Lào. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo Thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ánh Dương nói.
Đồng thời, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình lớn như Đặc sản vùng miền, các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như: Những ngày Hà Nội tại Điện Biên, Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh… Trung tâm mong muốn kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm làng nghề tại các chương trình này.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp, Hợp tác xã làng nghề. Hiện riêng doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1/50 giá trị thành phố Hà Nội sản xuất ra. Đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động ở khu vực nông thôn. Quan trọng hơn là nơi chúng ta lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam; mang văn hóa ra thế giới, giao lưu với thế giới.
Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định cấp ủy, cả hệ thống chính quyền rất quan tâm tới doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề. “Có lúc có nơi sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp chính quyền khiến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thế mạnh vốn có của các làng nghề và lợi thế của Thủ đô…”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thẳng thắn.
Do đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ quan điểm: “Chúng ta phải nghĩ lớn làm lớn, hợp tác với nhau, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế…”
“Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của Thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Người đứng đầu UBND Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… tiến tới xây dựng Hà Nội “Văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-lang-nghe-gap-kho-trong-viec-tiep-can-nguon-von-d219380.html