Nhằm hướng đến mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, sáng 6-6, Sở TT-TT TPHCM tổ chức diễn đàn với chủ đề “Làm bạn với sách”. Đây là một trong những hoạt động thuộc Hội sách Thiếu nhi TPHCM lần 5-2024.
Diễn đàn được tổ chức tại Đường sách TPHCM, với sự tham gia của các diễn giả: TS Quách Thu Nguyệt, Phó Chủ nhiệm CLB Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM kiêm Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2023-2024; nhà văn – nhà báo Phương Huyền, Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025; TS Tâm lý Đào Lê Hòa An, đồng tác giả SGK môn Giáo dục công dân lớp 6,7,8,9; ThS – Á hậu Phạm Ngọc Phương Anh.
Trong thời đại của thông tin và tri thức, ai cũng có thể tìm kiếm thông tin, kiến thức ở bất kỳ lĩnh vực nào trong các thư viện điện tử, báo điện tử, website, mạng xã hội một cách thuận tiện và dễ dàng. Dù kiến thức trên không gian mạng là vô vàn nhưng tri thức từ sách mới là vô tận. Do vậy, để hình thành thói quen đọc sách cũng như nuôi dưỡng tình yêu với sách là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
TS Quách Thu Nguyệt cho rằng, thói quen đọc sách không tự nhiên mà có mà phải có sự tác động từ các chủ thể, bao gồm: thầy cô, gia đình, cộng đồng xã hội. Theo bà, đọc cũng chính là học, thậm chí là học suốt đời.
“Không chỉ là thói quen đọc mà nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, văn hóa đọc chính là mô thức tích hợp của 4 thành tố: niềm tin, thói quen, hành vi và kiến thức. Thói quen đọc được hình thành từ việc chúng ta giúp người đọc chạm được những cuốn sách mà họ thích, họ đọc được những cuốn sách hay”, TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Theo TS Đào Lê Hòa An, việc đọc sách cần xuất phát từ sự gần gũi, từ nhu cầu và sở thích của bản thân mỗi người. Đặc biệt, TS Hòa An mang đến một gợi ý mới mẻ của việc đọc sách khi cho rằng, đọc sách giống như một hình thức du lịch của tâm hồn.
Anh lý giải: “Khi đọc sách, đồng nghĩa với việc chúng ta để tâm hồn của mình được du lịch, khám phá, trải nghiệm. Tập vào nội dung trong cuốn sách sẽ giúp chúng ta mở ra những chân trời mới. Việc đọc sách xuất phát từ nhu cầu bản thân, nếu chúng ta tìm được đúng nội dung của cuốn sách sẽ khiến chúng ta có niềm đam mê. Từ đó, chúng ta có thể mở mang hơn về tâm hồn cũng như về trí tuệ và sự sáng tạo của mình”.
Dù không phải là diễn giả chính, chỉ tham gia chương trình với tư cách là khách mời nhưng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025 nhận được rất nhiều quan tâm từ bạn đọc.
Em Trần Lê Vi Vân (lớp 6, trường THCS Hùng Vương, quận Tân Phú, TPHCM) bày tỏ sự băn khoăn về việc, thay vì đọc truyện thì em cùng bạn bè của mình thích xem phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Vậy đó có được xem là một phương pháp tiếp cận với văn học không?
Trả lời câu hỏi của Vân Vi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, văn học và điện ảnh cùng thuộc nghệ thuật nhưng là hai loại hình khác nhau. Trong khi tác phẩm văn học được xây dựng chủ yếu bằng ngôn từ, thì điện ảnh là loại hình nghệ thuật mang tính chất tổng hợp, vừa có hình ảnh trực quan, vừa có ngôn ngữ qua thoại và hành động, âm nhạc, ánh sáng… Do đó, ở khía cạnh viết văn và học văn thì đọc sách sẽ có lợi ích nhiều.
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, để làm giàu vốn ngôn từ, cũng như có cách diễn đạt tốt thì chương trình học trong nhà trường chỉ đáp ứng với dung lượng nhất định. “Còn khi đọc sách văn học, các con sẽ học được nhiều từ mới mà chương trình trong nhà trường không có đủ thời gian để dạy, mở rộng thêm vốn từ của mình, học thêm những cách diễn đạt mới. Về phương diện này, chúng ta sẽ không học được qua việc xem phim”, tác giả của Kính vạn hoa cho biết.
QUỲNH YÊN