Ngày 6-6, tại TPHCM, UBND TPHCM phối hợp với Bộ Công thương tổ chức diễn đàn xuất khẩu 2024 với chủ đề “Kết nối Chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”. Đặc biệt diễn đàn năm nay đã thu hút hơn 300 kênh phân phối, nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia.
Mở rộng thị phần thông qua hệ thống phân phối quốc tế
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, diễn đàn xuất khẩu hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, tập trung vào chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Cũng theo bà Thắng, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 681 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354 tỷ USD. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có Hiệp định thương mại (FTA) đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thuận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, diễn đàn xuất khẩu 2024 cũng là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời thu thập thông tin về xu hướng tiêu dùng và thay đổi trong thói quen tiêu dùng.
Ghi nhận thực tế tại sự kiện cho thấy, có sự tham dự đông đảo chưa từng có của gần 300 kênh phân phối và nhà nhập khẩu uy tín từ Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile, Venezuela, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Italia, Nga, Latvia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, UAE, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand,… Trong số đó, có thể kể đến các tập đoàn phân phối quốc tế lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật bản), Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Group (Thái lan), Lotte (Hàn Quốc), Miniso (Trung Quốc), IKEA (Thuỵ điển), LuLu (UAE)…
Có thể nói, sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới đa dạng hàng hóa, phong phú chủng loại, cạnh tranh về giá và chất lượng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị, kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Nhận diện lợi thế gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, thị phần xuất khẩu còn nhiều tiềm năng. Vấn đề là doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, trách nhiệm xã hội và môi trường, hướng đến mục tiêu sản xuất xanh bền vững. Diễn đàn cũng tập trung vào việc tìm hiểu khó khăn thực tế của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.
Nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã được tiến hành. Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà nhập khẩu và kênh phân phối quốc tế cũng được tăng cường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới.
Một phần quan trọng của diễn đàn là các khóa đào tạo, tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và thực hiện chuyển đổi số trong quản trị sản xuất kinh doanh. Các chương trình này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, hướng đến sản xuất và xuất khẩu không ảnh hưởng đến môi trường.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) cũng tổ chức cụm gian hàng TPHCM với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc các ngành hàng lương thực – thực phẩm, dệt may – da giày, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, quà tặng, trang trí nội thất – ngoại thất với mong muốn hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Từ đó, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối và nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và tìm kiếm khách hàng mới.
Trong khuôn khổ cụm gian hàng TPHCM đã diễn ra các chương trình kết nối giao thương với các nhà mua hàng quốc tế như Central Retail, Aeon, Walmart, Costco, Decathlon, Amazon, Coppel… Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp TPHCM giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm đối tác kinh doanh, hợp tác phát triển quan hệ thương mại và mở rộng thị trường trong nước.
“Diễn đàn xuất khẩu 2024 khẳng định cam kết của TPHCM trong việc đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, TPHCM kỳ vọng tạo ra một môi trường hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, doanh nghiệp có cơ hội trang bị những kiến thức, kỹ năng vượt qua thách thức, khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển thị trường xuất khẩu”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
ÁI VÂN