Thời gian qua, giới sân khấu cải lương xôn xao về việc một đơn vị biểu diễn cải lương Hồ Quảng vốn chuẩn bị diễn vở mới tại sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (số 136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), thì đến sát ngày biểu diễn lại đột ngột dời địa điểm sang rạp Hồng Liên (số 259 Hậu Giang, phường 5, quận 6, TPHCM).
Nhiều hệ lụy đã xảy ra, trong đó xuất hiện dư luận cho rằng, nguyên nhân sự cố này là do đang có chủ trương giảm bớt tần suất biểu diễn cải lương Hồ Quảng. Thông tin này đã khiến một số đơn vị làm nghệ thuật hoang mang, thắc mắc, lo lắng.
Trên thực tế, nguyên nhân chính của sự việc này là do đơn vị thực hiện vở diễn đã không làm đúng quy định đối với vở diễn mới là phải tổ chức phúc khảo với sự tham gia của hội đồng nghệ thuật, nên đã không được Sở VH-TT TPHCM cấp phép biểu diễn.
Trong khi đó, để hỗ trợ các đơn vị biểu diễn thuận lợi trong quảng bá, chuẩn bị, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chấp nhận cho các đoàn được chọn ngày biểu diễn trước từ một đến vài tháng và tối đa 3 ngày trước buổi diễn chính thức, đơn vị thực hiện phải nộp giấy phép biểu diễn. Do đến sát ngày diễn mà đơn vị vẫn không có giấy phép nên theo đúng quy định, nhà hát đành hủy bỏ suất diễn đã đăng ký trước đó.
Tuy nguyên nhân rất rõ ràng, minh bạch nhưng sự cố này cũng đã khơi dậy tiếp cuộc tranh luận trong giới sân khấu TPHCM: Sự bội thực cải lương Hồ Quảng. Hàng chục năm qua, các tuồng cải lương Hồ Quảng vẫn được nhiều thế hệ nghệ sĩ đầu tư dàn dựng và tổ chức biểu diễn, đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả mộ điệu. Ưu điểm của các tuồng này là kịch bản có sẵn, tuồng tích đã hoàn thiện, quen thuộc, dễ dựng, dễ ca, khán giả dễ xem…
Tuy nhiên, cái sự dễ này cũng gây hệ lụy xấu là các đoàn hát chuyên “ăn xổi”, dựng đi dựng lại các tuồng tích cũ, không chú trọng đầu tư cho các vở mới, gây nhàm chán cho khán giả, nhất là thế hệ khán giả trẻ sau này. Chính vì vậy, để nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu cải lương TPHCM nói riêng phát triển bền vững, đa dạng, phong phú, những người có tâm huyết với nghệ thuật cải lương đã liên tục kêu gọi các đơn vị nghệ thuật cùng chung sức để “phát triển cân bằng” cho sân khấu cải lương.
Sự phát triển cân bằng ấy thể hiện qua việc cân đối trong đầu tư dàn dựng các tác phẩm sân khấu cải lương với nhiều thể loại như: lịch sử dân tộc, huyền sử, truyền thuyết dân gian, cách mạng, hiện đại, Hồ Quảng… Riêng với cải lương Hồ Quảng, cần có sự tiết chế nhất định, chọn lọc dàn dựng những vở đặc thù, phù hợp với đời sống văn hóa xã hội hiện nay và xem đây như một phần của tổng thể chung sân khấu cải lương. Từ đó, đem lại cho loại hình nghệ thuật cải lương sinh khí mới, sống động, bắt kịp hơi thở cuộc sống, góp phần mang đến những món ăn tinh thần đặc sắc cho người dân, nhất là với những người yêu mến các ngón đờn, giọng ca mùi mẫn của cải lương.
THÚY BÌNH