Triển lãm cá nhân của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm diễn ra từ ngày 13-5 đến ngày 31-5, tại Art Key (Blanc de Blancs, 83-85 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM), trưng bày 22 tác phẩm vật liệu tổng hợp với chủ đề “Đường kim mũi chỉ”.
Nhìn qua các tác phẩm, người xem có cảm giác họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm may các mảnh vải cũ và mới theo bố cục mong muốn, sau đó may thêm các chi tiết, xịt các dòng chữ, nhuộm màu vải. Các đường chỉ nổi có thể là sẵn có hoặc may thêm, đều là chủ ý riêng của tác giả.
Ngoài ra, họa sĩ này còn dùng kỹ thuật khảm, chạm và kết dính nhiều vật liệu khác để tạo bề mặt kiểu phù điêu chìm cho tác phẩm. Gọi đây là tác phẩm chất liệu tổng hợp cũng tạm được, nhưng thật ra thì Hoàng Đăng Nghiễm tìm kiếm một ý niệm liên thông giữa vật liệu và chất liệu, điều vẫn còn nhập nhằng trong nhận diện của hội họa hiện đại Việt Nam lâu nay.
Với triển lãm lần này, có thể nói Hoàng Đăng Nghiễm đã dùng một kỹ thuật “vẽ” ít giống ai để xóa nhòa khoảng cách về vật liệu và chất liệu trên tác phẩm. Nói cách khác, vật liệu trở thành chất liệu và ngược lại, nên câu chuyện và thẩm mỹ được kể, được hòa quyện ngay từ những đường kim mũi chỉ đầu tiên. Màu mà Hoàng Đăng Nghiễm chọn nhuộm lên toan được lấy từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu từ màu của các loại rễ cây rừng của người H’mông ở Sapa, Ba-na và Cơ-tu ở Tây Nguyên…
Ngoài ra, một số lấy từ các dân tộc ít người ở Lào. Kết quả bề mặt cho thấy nhiều tác phẩm của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm là sự kết hợp của tinh thần huyền thoại hóa với ký hiệu, biểu tượng, biểu hiện, ý niệm và tối giản. Nói về ý niệm của mình, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm cho biết: “Mỗi mũi khâu là một kết nối, một chữa lành, là nhịp tim, là hơi thở. Vá khâu những đứt gãy của các sợi dệt chữ thập. Hàn gắn những rạn nứt tâm hồn. Trân trọng những giá trị còn sót lại”.
Triển lãm chia thành 4 chủ đề chính: Đường kim mũi chỉ, Cát bụi vẫn còn, Hàn gắn, Vá khâu những tàn tích. Sự tinh tế của các tác phẩm còn nằm trong việc sắp xếp những chi tiết vải gai hư cũ, sờn nát và những đường may vá đầy trân trọng dành cho những tổn thương tâm hồn, nó làm những cấu trúc hình học trở nên mềm mại và xúc động. Cùng với việc sử dụng chất liệu tổng hợp như acrylic, keo, bột đá vôi… một cách tiết chế, họa sĩ cũng làm tăng tinh thần tối giản, trống không, mà sống động.
Xem trước những tác phẩm của Đường kim mũi chỉ, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ: “Lần đầu xem qua loạt tranh này, trong tôi dậy lên một cảm xúc trầm lắng, để rồi dần dần chìm sâu vào trong những cảm xúc, chiêm nghiệm siêu hình. Tất cả mọi hình thái phức tạp trong thế giới đều được họa sĩ rút gọn về dạng cơ bản nhất của hình học và ở đó, họa sĩ thỏa mãn được tư duy bố cục vững chắc một cách cực đoan của mình”.
Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm sinh năm 1974, cha là họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (1942 – 2021). Anh biết vẽ từ nhỏ, khi lớn lên lại chọn con đường kiến trúc, làm nội thất; nhưng rồi hội họa vẫn níu kéo anh sáng tác và mong muốn tìm cái gì đó khác lạ hơn, cá biệt hơn, cuối cùng anh nghiên cứu và làm tranh bằng bao bố nhuộm.
THIÊN THANH