Sự cố mạng xã hội Facebook mất kết nối trên toàn cầu trở thành chủ đề quan tâm trên các diễn đàn trực tuyến. Nhiều câu hỏi nửa đùa mà đau lòng thật, khiến người ta suy ngẫm về một bộ phận người trẻ lệ thuộc quá nhiều vào các trang mạng cá nhân… Xã hội hiện đại có muôn vàn cách để kết nối trực tiếp đến trực tuyến, nhưng liệu chúng ta đã thực sự kết nối với nhau sau màn hình điện thoại, máy tính?
Cuộc vui chớm buồn
Không đăng nhập được vào tài khoản cá nhân trên Facebook, một số mạng xã hội khác cũng nghẽn vì lượng người dùng tăng đột biến, Trình Khánh An (26 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) vội vàng mở danh bạ điện thoại, thì tá hỏa khi chỉ lưu số vài người thân quen.
Khánh An chia sẻ: “Làm việc với đối tác hay bạn bè chủ yếu hỏi tài khoản Facebook là gì, kết nối qua đó rồi tạo nhóm trò chuyện, đã lâu rồi quên chuyện hỏi số điện thoại. Vì vậy, lúc không truy cập được, cuộc trò chuyện với đối tác bị mất ngang, mở điện thoại định gọi thì mới hay chưa lưu số của người ta”.
Sự có mặt của các nền tảng mạng xã hội mở ra nhiều cách để kết nối, học tập, thậm chí thế hệ gen Y, gen Z kiếm tiền “khủng” từ trang cá nhân. Kết nối dễ dàng, nhưng cũng chẳng mấy chốc mà mất tăm. Chuyện tài khoản ảo, tài khoản lừa đảo rồi “biến mất” như chuyện thường ngày trên mạng xã hội, nhưng chính tiện ích và sức hút giải trí của nó mà cách thức liên lạc bền vững đang dần nhạt nhòa.
Không có nền tảng mạng xã hội này, người ta cũng có nền tảng khác để thay thế, nhưng con số triệu lượt theo dõi, triệu lượt thích… không dễ gì xây dựng lại.
“Tôi từng có một tài khoản Facebook với hơn 5.000 lượt theo dõi, nhưng thử đặt mình trong điều kiện không có internet thì có là 5 triệu lượt theo dõi cũng vô nghĩa thôi. Khoảng 2 năm nay, tôi tạm ẩn mọi tính năng trên trang cá nhân, chỉ sử dụng tính năng nhắn tin và gọi, vì một số đối tác họ vẫn trao đổi công việc thông qua nền tảng này”, Đỗ Minh Như (30 tuổi, chuyên viên tài chính, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ.
Nói gì khi đối diện nhau
Vài năm trước, khi ai nấy còn bận với câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì thế?” trên trang cá nhân, thì mô hình quán cà phê không wifi bắt đầu để khuyến khích người trẻ trò chuyện trực tiếp nhiều hơn. Sự thay đổi lý tưởng này cũng không thể duy trì dài lâu, bởi khách tới quán chỉ một lần như tham khảo, và muốn duy trì buộc phải có wifi.
Anh Trần Minh Hoàng (40 tuổi, chủ một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Lúc áp dụng mô hình không wifi với thông điệp trò chuyện cùng nhau, được gần 2 tháng đầu cũng nhiều khách lắm, nhưng họ đến vì tò mò thôi. Lần sau tới, ai cũng hỏi wifi, người thì cần kết nối internet để làm việc, đọc tin tức, người thì vào mạng xã hội gọi cho người thân, bạn bè… Muốn giữ chân khách thì phải có wifi, câu đầu tiên vô quán thì người ta hỏi mật khẩu wifi rồi mới kêu nước sau”.
Xu hướng làm việc tự do ngày càng phổ biến hơn, chọn quán cà phê có kết nối internet ổn định là nhu cầu ngày càng nhiều của bạn trẻ. Nhưng cũng có không ít người trở nên lạc lõng, khi ngồi cùng nhau mà không bấm điện thoại thì không biết phải làm gì.
Nguyễn Minh Tân (29 tuổi, nhân viên y tế, ngụ quận 8, TPHCM) kể: “Bạn bè chơi với nhau cả chục năm, đủ thứ chuyện để nói, chưa kể tụi tui còn làm việc cùng ngành, nên dễ chia sẻ lắm. Vậy mà rủ nhau đi cà phê, đi ăn thì nói chuyện vài câu rồi mỗi đứa một cái điện thoại, có khi cầm điện thoại để giải quyết công việc, có khi lướt mạng xã hội, vì thiệt tình nhắn tin thì dễ chứ ngồi trực tiếp không biết nói gì”.
Trong sự cố mất kết nối trên toàn cầu của mạng xã hội Facebook vừa qua, câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm: “Khi không có mạng xã hội, bạn sẽ liên lạc với ai đầu tiên?”…
Đi học và làm việc xa nhà hơn 10 năm nay, mọi cuộc gọi chủ yếu là gọi về cho ba mẹ, Nguyễn Ngọc Anh (32 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Lúc còn là sinh viên, tôi cũng thích lướt mạng lắm, rồi tham gia các hội nhóm, trò chuyện, bình luận có khi tới 1, 2 giờ sáng. Nhưng rồi những kết nối đó cũng chỉ là “thế giới ảo”, thực tế chỉ có vài bạn thân và mỗi ngày tôi đều gọi về nhà. Mạng xã hội thì dễ kết nối, trò chuyện, nhưng khi cần sự hỗ trợ thực tế chỉ có thể gọi người nhà, người thân quen nhất thôi”.
“Thế giới ảo” hay “thế giới phẳng” không khoảng cách, tùy góc nhìn và cách mà mỗi người vận hành các nền tảng trực tuyến cho riêng mình. Mạng xã hội không tốt cũng không xấu… Đằng sau màn hình điện thoại, máy tính là con người và cuộc đời có thật, nhưng liệu chúng ta đã kết nối thực sự với nhau chưa, hay còn bận với nút thả tim, lượt thích, lượt theo dõi?
HỒNG DƯƠNG