Chiều 30 Tết Canh Tý 2020, sau 10 năm lấy chồng xa, tôi vô cùng sung sướng khi được cùng mẹ làm món khổ qua nhân thịt.
Tết năm ấy cả nhà tôi sum họp tại ấp Cầu chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, sau nhiều năm tôi ăn tết nhà chồng.
Từ ngày tôi đi lấy chồng tính ra cũng khoảng gần chục năm. Năm nào cũng vậy cứ tết đến là phải về quê chồng ăn tết trước rồi mới về nhà cha mẹ ruột. Do vậy mà khi tôi về đến nhà thì anh tôi đã quay về thành phố. Chưa năm nào anh em tôi cùng nhau ăn tết với ba má ruột.
Tôi còn nhớ, trước Tết Mậu Tý 2020, đúng ra là ngày 20 tháng Chạp năm Kỷ Hợi 2019, ba chồng tôi ở Buôn Ma Thuột gọi điện về TPHCM, nói: “Thôi, năm nay tụi con về ăn tết với anh chị sui ở Long An đi. Mồng 3 hay mồng 4 rồi về Buôn Ma Thuột ăn tết sau cũng được”.
Được lời như mở tấm lòng. Vợ chồng tôi chuẩn bị tươm tất mọi thứ cho ngày tết.
Gia đình tôi chỉ có anh trai và tôi thôi. Một phần là do ba má tôi quan niệm “Ít mà tốt còn hơn nhiều”; một phần khác, thuộc thành phần cán bộ, viên chức nhà nước nên phải thực hiện tốt chủ trương dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Từ nhiều năm vợ chồng tôi sống và làm việc ở TPHCM. Năm ấy tuy rất nôn nao, mong đợi về với ba má, tôi cũng phải ở nán lại một ngày để dọn dẹp nhà để ăn tết như mọi người.
Do vậy mà sáng 30 vợ chồng tôi mới bắt đầu tay xách nách mang về nhà ba má tôi ăn tết.
Vừa về tới nhà là tôi thấy mẹ đang lụi cụi rửa từng trái khổ qua. Mẹ nói: “Năm nào trên mâm cơm rước ông bà chiều 30 Tết má cũng phải làm 6 trái khổ qua để ăn hết cái khổ trong năm qua, để sang năm mới cái khổ nó đi qua, không còn khổ nữa”.
Tôi thắc mắc: “Ủa, gia đình mình hết khổ lâu rồi mà má?”
Má tôi cười: “Đời người mà sao hết khổ được con. Không khổ chuyện này thì khổ chuyện kia; không khổ vì nghèo cũng khổ vì giàu thôi con”.
Tôi quay sang chuyện tết: “Mà sao phải là 6 trái hả má? Má trả lời: “6 là lục, lục đọc trại là lộc. Tết là phải có lộc đó con”. Tui bật cười vì ý nghĩa độc đáo của má tôi khi làm món khổ qua.
Thế là cả 2 má con xúm xít lại, vừa chuyện to chuyện nhỏ, vừa làm món khổ qua nhân thịt để tới xế chiều cúng cơm rước ông bà.
Má tôi cho biết, phải lựa cho bằng được những trái khổ qua tươi xanh, nở gai, thon dài nhưng 2 đầu trái không nhọn để thịt dồn đến tận 2 đầu. Khổ qua phải ngâm từ 10 – 15 phút trong nước pha muối, cứ một lít nước hòa với 150g muối. Sau đó đem rửa lại bằng nước cho sạch rồi mới chần sơ cho đỡ đắng. Còn nhân thịt thì tốt nhất là thịt ba rọi bằm nhuyễn rồi trộn đều với 1 trứng vịt cho thịt nó “khắn” lại.
Không cần phải cầu kỳ, khổ qua dồn thịt đơn giản như vậy cũng ngon rồi. Cái quý là ở tấm lòng, má tôi nói thêm.
Trên mâm cơm chiều 30 Tết năm ấy có đầy đủ các thành viên trong gia đình sau nhiều năm thiếu vắng tôi. Trai, gái, dâu rể lại thêm 2 đứa cháu nội, ngoại làm má tôi vui lắm. Má huyên thuyên từ chuyện đời, chuyện nhà luôn cả chuyện vui buồn về những cái tết đã đi qua trong đời. Má tôi cười nói: “Năm nay có đầy đủ con cháu về ăn tết, chắc chắn cái khổ sẽ không còn nữa”!
Nhưng không thể ngờ rằng, tết năm đó là lần cuối tôi cùng mẹ nấu nồi canh khổ qua nhân thịt. Mẹ tôi đã rời xa ba và anh em tôi vì căn bệnh quái ác.
Khi viết những dòng tự sự này, tôi cũng không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả niềm thương nhớ mẹ. 2 dòng nước mắt cứ rưng rưng chảy khi nhớ lại nồi khổ qua nhân thịt ngày tết năm nào.
NGUYỄN PHẠM ANH THƠ
Quận Bình Tân, TPHCM