Làn sóng livestream bán hàng thời gian qua, cao điểm là dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn -2024, đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến năm 2023 – theo Metric.
Với tỷ lệ tăng đến 53,4% so với năm 2022, Metric cũng đưa ra con số tăng trưởng 35% của năm 2024 trên 5 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo).
Thương mại điện tử và bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục bùng nổ, cuộc “giao tiếp” trên thị trường sẽ ngày càng rút ngắn, lược bỏ tính trung gian, thay vào đó sẽ trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Điều này vừa giảm chi phí trung gian, tăng biên lợi nhuận; vừa giúp nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng.
Có một thực tế được đặt ra: khi tốc độ đầu vào (giới thiệu, đặt và tiếp nhận đơn hàng) càng tăng cao thì đòi hỏi về chất lượng và mức độ đầu ra (giao vận đơn hàng và công việc hậu cần) cũng phải tương xứng. Điển hình như chỉ trong 2 tuần giáp tết, với lượng đơn đổ về cao đột biến, Giao hàng tiết kiệm – một trong những đơn vị eLogistics lớn tại Việt Nam đã phải ngừng nhận đơn ở một số khu vực.
Vì vậy, để duy trì chất lượng và ổn định của tăng trưởng thương mại điện tử, ngay lúc này cần tiếp tục nâng cấp, đầu tư nhanh nhất hệ thống giao vận – logistics (trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch hệ thống logistics TPHCM – vùng Đông Nam bộ trong tổng thể quốc gia – khu vực Đông Nam Á). Trước mắt, cùng lúc nên tận dụng cả “số” lẫn “xanh” để thiết lập kho dữ liệu, lập bản đồ số logistics, tạo các nền tảng số kết nối các dịch vụ vận tải đa phương thức. Tập trung, đồng bộ công nghệ tập kết, xếp dỡ và vận tải hàng hóa để tối ưu hóa quá trình vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa; kể cả áp dụng “giao thông xanh” đối với các phương tiện vận tải hoạt động trong mạng lưới logistics. Mới nhất là việc khởi động chương trình chuyển đổi sang xe máy điện đối với lực lượng shipper trên địa bàn thành phố.
Về lâu dài, thúc đẩy nhanh các hạng mục xây dựng nhằm đi vào vận hành hệ thống logistics của nội thành (TPHCM) và nội vùng (Đông Nam bộ) mà lợi thế đã được nhìn thấy từ trước với tài nguyên cảng biển nước sâu, hàng không và cùng lúc là thị trường sản xuất – phân phối – tiêu dùng lớn nhất nước.
Đặc biệt, tầm nhìn và sức phát triển đã được hoạch định trong “bản đồ” logistics TPHCM mở rộng. Cụ thể là phần lõi với 8 trung tâm logistics có tổng diện tích hơn 750ha (Cát Lái – Phú Hữu, TP Thủ Đức với diện tích 292ha; Long Bình , TP Thủ Đức với 54ha; Linh Trung, TP Thủ Đức với 74ha; huyện Củ Chi với 15ha; Tân Kiên, huyện Bình Chánh với 60 ha; Hiệp Phước, huyện Nhà Bè với 100 ha; Tân Hiệp, huyện Hóc Môn với 150 ha cùng các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở huyện Củ Chi…
Bên cạnh đó, định hướng xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM; thành phố cũng sẽ hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng; phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TPHCM – cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Chỉ khi đồng bộ hóa mạng lưới kho bãi, giao vận một cách bài bản, chuyên nghiệp; tận dụng hiệu quả 2 xu hướng nhanh – bền vững “số” và “xanh trong vận hành, khai thác thì sức tăng trưởng thương mại điện tử của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ còn phát triển mạnh và ổn định hơn nữa.
NGUYỄN QUÂN CÁT