Trái với sự ồn ào, tấp nập ngoài đường Hai Bà Trưng (quận 3, TPHCM), trong con hẻm 451 lại có một tiệm sách cũ nằm lặng lẽ tên là Bá Tân – Sách cũ thư viện. Chủ nhân của tiệm sách cũ này là Lê Bá Tân, cũng là một cái tên quen thuộc trong cộng đồng những người yêu thích đọc sách.
Duyên nợ với sách cũ
Năm 2008, từ Thanh Hóa, Lê Bá Tân (sinh năm 1988) vào TPHCM học đại học. Sau 4 năm, với tấm bằng cử nhân khoa Sư phạm Sử – Giáo dục quốc phòng của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cứ tưởng mọi thứ sẽ dễ dàng với chàng trai tỉnh lẻ khi đó (bởi ngành học mà anh lựa chọn thi vào, được mở ngay năm đó). Nhưng cuộc sống vốn không phải màu hồng, vậy nên chuỗi ngày ra trường với Lê Bá Tân cũng lắm thăng trầm. Anh từng dạy học cho một trường tư ở TPHCM, rồi chuyển tới Bình Dương.
Ngoài khó khăn trong công việc, như bất kỳ người trẻ nào, Lê Bá Tân cũng loay hoay trong việc khám phá bản thân để hiểu mình thực sự đam mê và phù hợp với điều gì. Sau 4 năm làm “ông giáo trẻ”, anh quyết định dừng lại, dù lúc đó cũng chưa giải được bài toán cho cuộc đời mình. Để có tiền sống qua ngày, anh làm telesale, bán vé máy bay, làm gia sư, thậm chí bán cả kim chi!
Tháng 7-2016, một người bạn của anh ở Gò Vấp mua được nhà, chấm dứt quãng đời ở trọ. Vì không tiện mang theo, và cũng biết Lê Bá Tân là người yêu thích sách vở nên người bạn đã để lại cho anh toàn bộ sách của mình. Từ quận 9 (nay là TP Thủ Đức), anh chạy xe máy lên chở sách về phòng trọ trên đường Lê Văn Việt.
“Trong số sách mà người bạn để lại, có một cuốn sách quý là Từ điển Việt – Bồ – La. Lúc đó, tôi cần tiền để mua kệ sách nên đã rao bán cuốn sách này. Vì không biết nên tôi chỉ rao bán 400.000 đồng, trong khi giá trị thật của nó lên tới 2 triệu đồng. Tên tôi còn lạ nên phải mãi lâu sau mới có một người ở Bình Dương hỏi mua”, Lê Bá Tân kể.
Duyên nghiệp với sách cũ bắt đầu mở ra với Lê Bá Tân như vậy. Nhận ra nhu cầu, anh chủ động rao bán trên trang cá nhân. Lúc đó, chủ yếu là sách triết, sử, luật… rao đến đâu bán hết đến đó. Để đa dạng nguồn sách và đề tài, anh đi mua thêm từ các tiệm sách cũ trong thành phố rồi về bán lại. “Tháng 10-2016, tôi quyết định gác lại tất cả công việc để tập trung vào mua bán sách cũ, bởi tôi nhận ra tiềm năng lớn từ công việc này”, Lê Bá Tân chia sẻ.
“Dám bán sách, dám tử tế”
TPHCM từng có rất nhiều con đường nổi tiếng về sách cũ. Là “lính mới” nên Lê Bá Tân dành thời gian ghé các nhà sách cũ của thành phố để tìm hiểu về cách sắp xếp, cách định giá, đặt sách lên kệ… Lê Bá Tân nhớ lại: “Có những nơi tôi ăn dầm nằm dề, sáng sớm đến phụ người ta xếp sách, lau bụi. Nhờ đó, được chỉ dạy rất nhiều kỹ năng trong việc chọn mua sách, phân loại”.
Năm 2017, Lê Bá Tân mở tiệm sách cũ đầu tiên ở quận 2, đến tháng 3-2019 thì chuyển qua đường Nguyễn Khắc Nhu (quận 1) và bán thêm cà phê. Thời gian đầu, anh chủ yếu bán sách xưa, sách quý hiếm, nhưng từ năm 2020, khi nhận ra thị trường này bắt đầu đi xuống thì anh chuyển hướng sang bán sách đại chúng. Tháng 8-2022, để có thêm không gian, anh chuyển qua số 451/22 đường Hai Bà Trưng; đồng thời thuê thêm tiệm đầu hẻm để bán theo hình thức cân ký.
Ngoài 2 tiệm sách cũ ở hẻm 451 đường Hai Bà Trưng, mới đây, Lê Bá Tân vừa mở thêm một tiệm nữa ở Đường sách TP Thủ Đức, là tiệm sách cũ duy nhất nơi đây. Khác với hình dung về một tiệm sách cũ thường sẽ bề bộn, cũ kỹ; tiệm sách của anh Tân ở Đường sách TP Thủ Đức gây ấn tượng bởi cách bố trí gọn gàng, các cuốn sách nằm ngay ngắn trên kệ. Những ngày đầu Đường sách TP Thủ Đức khai trương, tiệm sách của Lê Bá Tân là một trong những gian hàng thu hút đông đảo bạn đọc đến xem và mua sách.
Có một điều đặc biệt là ở các tiệm sách của Lê Bá Tân, hay ở những bài đăng bán sách trên fanpage, luôn đi kèm dòng chữ “Dám bán sách, dám tử tế”, như một tâm niệm của anh khi đến với nghề. Theo chia sẻ của Lê Bá Tân, sự tử tế ở đây chính là cung cách phục vụ, trao đổi với khách hàng. Và hơn thế nữa, chính là việc anh và nhân viên sống được với nghề. “Một trong những động lực để tôi cố gắng không ngừng là công việc của mình giúp được nhiều người có công ăn việc làm. Tôi muốn những người đi cùng mình cũng có cuộc sống tốt hơn so với công việc trước mà họ đã làm”, Lê Bá Tân bày tỏ.
Không dừng ở hoạt động mua bán sách cũ, Lê Bá Tân còn tham gia và tổ chức nhiều hoạt động nhằm cổ vũ khuyến đọc như đổi sách lấy sách, đổi sách lấy cà phê. Anh còn mở lớp “Thưởng thức việc đọc”, mời giáo viên là những dịch giả, tác giả, biên tập viên về dạy kỹ năng đọc cho nhân viên. Cùng với đó, anh tổ chức cuộc thi viết cảm nhận sách hay với giải thưởng là những voucher mua sách tại tiệm hoặc tại các đơn vị mà tiệm liên kết.
QUỲNH YÊN