* PHÓNG VIÊN: Tại sao lại là liveshow kỷ niệm 23 năm mà không phải con số nào khác?
* Ca sĩ NGUYỄN PHI HÙNG: Nhiều người cũng thắc mắc vậy, rằng sao tôi không chọn những cột mốc lớn, chẳng hạn 20 hoặc 25 năm. Thực tế, tôi ấp ủ ý tưởng thực hiện từ lâu, để mô tả trọn vẹn chân dung mình. Nhưng thời gian qua, tôi quá bận rộn lịch diễn cùng những công việc có tên hay không tên khác nên chưa thể thực hiện.
Dịp này, đúng thời điểm phù hợp, tôi được Jet Studio hỗ trợ hoàn toàn phần sân khấu, dàn dựng, tạo điều kiện thực hiện khát khao. Đây cũng là thời điểm tôi phối hợp lại với Vũ đoàn Hoàng Thông – từng gắn bó lâu dài cùng mình. Dancing in the Sky như lời cảm ơn chân thành dành cho các cộng sự, khán giả.
* Ở Dancing in the Sky, anh mong mang lại cho khán giả điều gì?
* Trong live show, tôi hát 20 ca khúc trong 2 tiếng đồng hồ, gắn liền thanh xuân nhiều khán giả như: Dáng em, Tình đơn côi, Nhớ gấp ngàn lần hơn, Chân tình, Để nhớ một thời ta đã yêu… Các bài hát được hòa âm, phối khí mới. Kết hợp với đó là những tiết mục múa do tôi hoặc các biên đạo dàn dựng. Sân khấu có nhiều hiệu ứng về hình ảnh, ánh sáng rất bắt mắt.
Trước khi nổi tiếng với vai trò ca sĩ, tôi từng theo học trường múa. Tôi mong kể cho khán giả rõ hơn về hành trình này của mình. Chân dung tôi muốn thể hiện trọn vẹn ở đây là mình có nhiều kỹ năng sân khấu, mà khán giả có khi chỉ nghe qua báo chí. Khán giả hiện đến sân khấu không chỉ nghe ca sĩ hát, mà còn cảm nhận năng lượng của họ. Vì thế, tôi phải đáp ứng được yêu cầu đó. Tôi vận dụng kỹ năng vũ đạo đưa vào các chương trình biểu diễn.
* Đây là liveshow thứ ba trong sự nghiệp của anh, nhưng là liveshow ghi hình, phát trực tuyến đầu tiên của một nghệ sĩ độc lập trong nước. Có điều gì đặc biệt?
* Quá trình ghi hình giống như liveshow bình thường, với 11 máy quay ghi lại hình ảnh sân khấu. Là liveshow ghi hình thì tất nhiên phải có sự cập nhật công nghệ. Jet Studio chưa bao giờ thực hiện chương trình liveshow cho một cá nhân nào cả, đây cũng là lần đầu tiên họ thực hiện như vậy. Thủ pháp dàn dựng, ứng dụng công nghệ mới, ý tưởng về âm thanh, ánh sáng sân khấu, bố cục kịch bản… là những điểm nhấn của chương trình.
Liveshow phát trên các nền tảng nhạc số, YouTube, Facebook vì muốn mọi khán giả tiếp cận. Đây là một xu hướng học hỏi được từ những ca sĩ nước ngoài, cũng là thử thách đối với chúng tôi.
Tôi ra mắt được một số tác phẩm cải lương như Tình anh bán chiếu, Nghĩa mẹ tình cha, Sầu vương ý nhạc. Các thầy (nghệ sĩ cải lương) nhận xét giọng tôi nói chung còn phải cố gắng. Rất may, các nghệ sĩ và khán giả cải lương rất cởi mở, đón chào tôi đến với thể loại này. Tôi nghĩ không có giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật. Luôn có thể rộng mở để mình học hỏi để đến gần với khán giả
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng
* Nhưng phát miễn phí vậy, anh có thấy tiếc?
* Nếu thấy tiếc tôi đã không làm! Tôi muốn đây là món quà dành cho khán giả – những người yêu thương mình, tiếp động lực suốt 23 năm qua. Năm nay, kinh tế rất khó khăn, tôi không cam tâm để khán giả của mình đi một hành trình xa xôi, bỏ vài triệu hay ít nhất vài trăm ngàn đồng để mua 1 tấm vé vào xem.
Khán giả của mình không chỉ ở thành phố mà còn ở nhiều tỉnh, thành, vùng quê…, tôi không muốn bỏ sót ai hết. Trong số họ, có người là lao động chân tay, công nhân xa quê, chú xe ôm… Trước đây, với những sân khấu truyền thống như Trống Đồng, 126 thì bỏ 100.000-300.000 đồng là có thể nghe hát, còn bây giờ đi nhà hát có khi là xa xỉ. Chỉ riêng bước vào một cái phòng trà, một ly nước đối với họ là một ngày lao động rồi.
* Sau 23 năm anh thấy mình được gì? Kiếm tiền với anh bây giờ có còn quan trọng?
* 23 năm đi đâu tôi cũng cảm thấy háo hức, bởi vì biết đến đó sẽ được gặp nhiều khán giả yêu mến. Tôi có thêm những người má, người dì, người anh, người em… với tình cảm chân phương, trân quý.
Trước đây, khi mới vào nghề, tôi từng mong nhờ công việc mình có được đời sống vật chất tốt hơn. Sau 1-2 năm, tôi nhận rõ chân lý khi cảm nhận được tình cảm chân thành của khán giả. Không có gì giá trị hơn tình yêu thương của họ. Những giá trị vật chất mình nhận được tới một giai đoạn nào đó sẽ tạm ổn. Tôi không bị áp lực, không bị đặt nặng cát xê, chỉ cố gắng trình diễn tốt nhất.
* Bây giờ đi diễn, anh sẽ thấy có những giọng ca trẻ hơn được khán giả săn đón. Có khi nào anh nghĩ suy hay chạnh lòng?
* Nhìn các nghệ sĩ trẻ, tôi như nhìn lại phiên bản mình 23 năm về trước. Tôi thấy bình thường, không buồn chán, không chạnh lòng. Thực sự, giữa khán giả và nghệ sĩ có một sự liên kết từ trái tim đến trái tim. Không nhất thiết là bài hit hay không, quan trọng là năng lượng người nghệ sĩ.
* Nhiều ngôi sao bây giờ rất sợ hào quang bỏ đi, không chấp nhận được điều đó. Với riêng anh thì sao?
* Rồi những bài hát sẽ cũ, sẽ chỉ là một thời và sự quan tâm của khán giả không còn nếu nghệ sĩ không mở rộng đối tượng khán giả. Nhu cầu thưởng thức của công chúng bây giờ ngày càng cao. Bài hit là cái duyên, nhưng không phải điều tiên quyết để quyết định sự thành công.
Không có ai hạ mình bằng chính mình buông xuôi. Cứ yêu công việc, xem mình là một người bình thường nhưng có nỗ lực phi thường với hành trình mình đi là được. Thấu hiểu cuộc sống một chút mới có thể hòa nhập với mọi người. Không nhất thiết phải là đỉnh cao mới có hạnh phúc. Ra đường gặp, chú xe ôm, cô công nhân, bác nông dân… vẫn bắt tay mình như gặp một người thân quen đã là niềm vui lớn với nghệ sĩ.
* Anh thấy khả năng “bắt trend” của mình thế nào?
* Một vài người nói hơi chậm, nhưng riêng tôi, phương châm là luôn luôn nghĩ đến chuyện hòa nhập nhưng không hòa tan. Mình không thể để khán giả yêu mến mình 23 năm rồi thấy mình bỗng dưng làm lố, khiên cưỡng. Phải có sản phẩm phù hợp để làm sao thế hệ nào cũng nghe phù hợp mình.
TIỂU TÂN