Sáng 22-12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu công bố Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 8-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường thiên nhiên được bảo vệ và phát triển; xã hội phát triển hài hoà, đời sống nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 – 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 – 4 lần so với năm 2020; GRDP bình quân trên người đạt khoảng 187 triệu đồng (giá hiện hành); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 2 tỷ USD (trong đó xuất khẩu tôm đạt khoảng 1,7 tỷ USD); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 17 – 18%/năm; kinh tế số chiếm 20 – 25% GRDP…
Đến năm 2050, Bạc Liêu là tỉnh có kinh tế phát triển; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn. Hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Quy hoạch cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển: Khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch…
Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông – công nghệ thông tin; xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.
TẤN THÁI