PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội |
PHÓNG VIÊN: Du lịch không phải là câu chuyện của mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp…, vì vậy để có được sự bứt phá, phát triển, vai trò của “nhạc trưởng” là vô cùng quan trọng. Song, tại thời điểm này, có phải dấu ấn của người “tổng chỉ huy” dường như còn mờ nhạt, thưa ông?
PGS-TS BÙI HOÀI SƠN: Trong thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã xây dựng chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; Cục Du lịch quốc gia đã triển khai đề án quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến 2045… Du lịch Việt Nam luôn được đánh giá cao và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới, với nhiều giải thưởng du lịch được trao tặng, ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành. Tuy nhiên, so với tiềm năng thực tế và kỳ vọng của chúng ta vào sự phát triển của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thì ngành du lịch cần phải cố gắng rất nhiều, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn đang đối mặt. Ví dụ như, quy hoạch liên kết giữa các vùng, địa phương trong phát triển du lịch của chúng ta còn thiên về định hướng không gian địa lý hoặc vùng kinh tế, chứ chưa dựa vào vùng du lịch; hoặc nhiều địa phương chưa tạo ra sản phẩm đặc thù, như du lịch miệt vườn ở miền Tây Nam bộ, hoặc khu phố đi bộ, chợ đêm ở nhiều địa phương… có cách tổ chức giống nhau.
Một số địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động liên kết tỉnh, vùng trong quảng bá điểm đến như hội nghị liên kết vùng, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, các doanh nghiệp. Song, nhiều ý tưởng liên kết thiếu thực tế, ví dụ như một tỉnh miền Tây Nam bộ liên kết với một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, hoặc có trường hợp liên kết vùng quá lớn như 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, thay vì những kết hợp khả thi hơn như con đường di sản thế giới ven biển miền Trung… Việc liên kết này thiếu sự nghiên cứu thị trường và nhu cầu khách du lịch. Từ thực tế đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trung ương trong việc hướng dẫn cho các địa phương hoạt động, liên kết tạo ra chuỗi các điểm hiệu quả là rất cần thiết.
Các giải đua thuyền, thể thao biển quốc tế là một giải pháp giúp ngành du lịch tỉnh Bình Định khởi sắc, phát triển trong giai đoạn tới. Ảnh: NGỌC OAI |
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng mọi vấn đề liên quan tới du khách như giao thông đi lại, môi trường, an ninh, giá cả, giải trí… đều được cho là trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch. Làm thế nào để giải quyết những vấn đề căn cơ này?
Hoạt động du lịch là một chuỗi các dịch vụ có gắn kết như: giao thông hàng không, đường bộ, đường thủy; cơ sở dịch vụ như lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí, và các dịch vụ bổ sung liên quan tới nhiều ngành khác như thương mại, sản xuất. Đồng thời, hoạt động du lịch tại một điểm đến còn có sự gắn kết, hỗ trợ của người dân địa phương.
Để giải quyết một cách căn cơ cho vấn đề này, theo tôi, chúng ta nên chú ý đến một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ở cấp trung ương và địa phương đã có Ban Chỉ đạo du lịch gồm các cơ quan quản lý ở các ngành tham gia, tức là chỉ bao gồm khu vực công. Tuy nhiên, mô hình này cần phải có một số cải tiến cho phù hợp hơn với điều kiện hiện nay. Ví dụ, cần có thêm đại diện doanh nghiệp hoặc hiệp hội du lịch, thậm chí là đại diện cộng đồng địa phương để sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận tiếng nói, đóng góp của tất cả các bên liên quan; hoặc nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo này để kịp thời lắng nghe những khó khăn và rào cản mà khu vực doanh nghiệp đang gặp, đưa ra được quyết sách kịp thời, đáp ứng được vấn đề cấp bách của ngành, bao gồm cả dịch vụ, giá cả, quy tắc ứng xử, an toàn tính mạng và tài sản của khách, giao thông, môi trường, an ninh…
Thứ hai, nên thành lập cơ quan quản lý điểm đến với sự tham gia của các ngành liên quan ở địa phương và các đối tác khác nhau (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương). Việc tăng cường quản lý điểm đến cần có hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý ở cấp quốc gia như Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch quốc gia để đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các địa phương biết cách thành lập cơ quan quản lý điểm đến, gồm: cơ cấu tổ chức, trách nhiệm, nhiệm vụ, điều lệ, hoạt động, ngân sách/quỹ hoạt động, cơ chế báo cáo… Theo đó, thành lập cơ quan quản lý điểm đến ở các địa phương trọng điểm trước, để tạo ra mô hình điển hình, sau đó điều chỉnh, nhân rộng ra các điểm đến khác.
Hàng loạt doanh nghiệp ven biển Đà Nẵng gặp khó khi tiền thuê đất tăng cao. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo ông, sự phục hồi của ngành du lịch còn chậm so với nhiều nước lân cận, có phải một phần là do thiếu những hoạt động xúc tiến quảng bá ở tầm quốc gia, quốc tế?
Dù có rất nhiều nỗ lực trong thời gian qua, nhưng chúng ta vẫn thiếu hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch lớn ở tầm quốc gia, quốc tế. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa vận hành tốt Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và thiếu vắng các cơ quan đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Tháng 12-2022, Hội đồng Tư vấn Du lịch phối hợp một số đơn vị làm một khảo sát khách du lịch sau dịch Covid-19. Kết quả, 56% khách du lịch nhận biết điểm đến chủ yếu thông qua mạng xã hội, báo điện tử; 42% qua trang web và 41% qua các công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến; 3% nhận biết điểm đến thông qua hội chợ, sự kiện du lịch; 1% qua các biển quảng cáo và 1% qua tờ rơi, tập gấp. Điều này cho thấy các thông tin cung cấp cho khách du lịch là chưa đầy đủ, toàn diện, kịp thời. Do vậy, chúng ta cần cố gắng rất nhiều để những hoạt động xúc tiến, quảng bá lớn đem lại lợi thế cho du lịch Việt Nam.
Cụ thể, chúng ta cần vận hành tốt hơn Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; cần thực hiện nghiên cứu thị trường để đưa ra những chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với từng thị trường mục tiêu nhằm thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch đạt được hiệu quả; có thể xem xét xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia mới để thích ứng với hoàn cảnh phát triển du lịch sau dịch Covid-19 với hành vi, tâm lý, sở thích của khách du lịch đã có nhiều thay đổi. Cùng đó, các địa phương cần phải có hợp tác công – tư, cũng như cần nghiên cứu thị trường, không sao chép mô hình của các địa phương khác để tránh trùng lặp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các địa phương, các khu du lịch trọng điểm quốc gia mời chuyên gia quốc tế từ các công ty, tổ chức tư vấn tầm quốc tế có kinh nghiệm đến nghiên cứu thị trường, phân tích tính độc đáo của địa phương để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch.
Tổng hợp: THI HỒNG |
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành
Tại phiên chất vấn trong chương trình kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (ảnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề phát triển du lịch của Việt Nam.
Đại biểu NGUYỄN NGỌC SƠN: Du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai. Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới?
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH: Tài nguyên du lịch của đất nước ta rất phong phú về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt có chiều dài bờ biển trên 3.000km trải dài từ Bắc đến Nam; người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động. Đó là những lợi thế của ngành du lịch Việt Nam. Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng đã có. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Có nguyên nhân liên quan đến vấn đề về chính sách, về thể chế, về lãnh đạo, chỉ đạo, về nguồn nhân lực, bố trí quy hoạch để phát triển ngành du lịch; có những vướng mắc, khó khăn cả chủ quan và khách quan, nhưng theo Thủ tướng, chủ quan là chính. Về giải pháp để phát triển ngành du lịch, trước tiên cần triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng về ngành du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Phải thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương này bằng các luật pháp của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, các thông tư liên quan của các bộ. Thứ hai, phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển. Thứ ba, phải có nguồn lực cho hạ tầng du lịch. Thứ tư, phải có nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thứ năm, đây là một ngành kinh tế tương đối tổng hợp, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành.
LÂM NGUYÊN
Bà NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Phải đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người yêu chuộng hòa bình, năng động, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, qua đó thu hút đầu tư du lịch. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nhiều mặt, về làng nghề, lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp và độc đáo. Cần tăng cường xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án du lịch mang tính chiến lược, tạo động lực để phát triển bền vững.
Ông PHẠM HUY BÌNH, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group): Muốn phát triển du lịch bền vững, cần có các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho ngành du lịch như miễn giảm sâu hơn các loại thuế, phí…; cần có sự điều tiết từ cấp độ quốc gia trong quản lý du lịch, tạo nên sự liên kết đồng bộ giữa các lĩnh vực dịch vụ thành phần, điểm tham quan, đơn vị cung ứng vận chuyển, cơ sở lưu trú tại điểm đến… Từ đó, các địa phương, công ty lữ hành sẽ có “thành phẩm” du lịch hấp dẫn, giá cả hợp lý, mà vẫn đảm bảo yếu tố chất lượng dịch vụ cung cấp đến du khách.
THI HỒNG – LÂM NGUYÊN ghi