SGGP
Các giao dịch bán “chui” cổ phiếu đều đã được các cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục, một số giao dịch đã bị hủy, một số nhà đầu tư cũng được hoàn tiền, nhưng hệ lụy để lại cho nhà đầu tư và thị trường rất lớn.
Những tưởng sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bán “chui” 75 triệu cổ phiếu FLC bị xử phạt 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch 5 tháng và sau đó bị khởi tố vì hành vi thao túng chứng khoán sẽ tạo ra một môi trường trong sạch cho thị trường chứng khoán, thế nhưng thời gian qua, hàng chục vụ bán cổ phiếu “chui” của các cổ đông lớn, lãnh đạo các công ty niêm yết trên thị trường vẫn tái diễn, gây bức xúc và mất niềm tin cho nhà đầu tư.
Một số trường hợp nổi cộm gần đây nhất là vào tháng 8-2023, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Long Điền (LDG) bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo hủy giao dịch bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG, chiếm 22,81% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trên toàn thị trường, với giá trị gần 16,7 tỷ đồng. Ông Hưng cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hơn 520 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 4 tháng. Trước đó, trong tháng 7-2023, ông Huỳnh Minh Lâm, Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va – Novaland (NVL) cũng bị xử phạt 100 triệu đồng do bán “chui” 603.790 cổ phiếu NVL khi cổ phiếu này tăng mạnh. Tháng 6-2023, ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) bị xử phạt với tổng số tiền 245 triệu đồng vì mua “chui” cổ phiếu lên đến 45% vốn của Công ty CP Sông Đà 1.01 (SJC) nhưng không đăng ký chào mua theo quy định. Ông Phạm Khánh Phương cũng bị cáo buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai. Trong tháng 4-2023, vợ chồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HPX) là ông Đỗ Quý Hải, bà Chu Thị Lương và ông Đỗ Quý Đường (em trai ông Hải) đã bị phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán “chui” cổ phiếu HPX…
Các giao dịch bán “chui” cổ phiếu đều đã được các cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục, một số giao dịch đã bị hủy, một số nhà đầu tư cũng được hoàn tiền, nhưng hệ lụy để lại cho nhà đầu tư và thị trường rất lớn. Chẳng hạn như sau đợt bán “chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC và cả những cổ phiếu trong hệ sinh thái của FLC đều lao dốc và đến nay đã bị hủy niêm yết. Không ít nhà đầu tư lỗ nặng nhưng cũng không thể cắt lỗ vì không có thanh khoản. Sau vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị bán “chui” cổ phiếu, LDG cũng đã giảm sàn nhiều phiên sau đó và mất thanh khoản, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Tương tự, từ khi HPX bị bán “chui”, cổ phiếu này giảm mạnh và đến nay thị giá chỉ còn khoảng 1/3 so với thời điểm người trong nội bộ của HPX bán ra.
Việc cố tình bán “chui” cổ phiếu là hành vi lừa đảo, trục lợi, có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, bởi không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư tham gia thị trường mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tình trạng này liên tục tái diễn sẽ đe dọa sự ổn định và phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mục tiêu nâng hạng từ cận biên (frontier) lên mới nổi (emerging) trong thời gian tới. Để ngăn chặn tình trạng này nhằm minh bạch thị trường, các chuyên gia cho rằng cần tăng chế tài xử phạt để tăng tính răn đe. Bởi lẽ, mặc dù đã có chế tài nhưng vì lợi nhuận, nhiều cá nhân vẫn bất chấp để bán “chui” cổ phiếu cho thấy việc chế tài chưa đủ mạnh. Đặc biệt, có thể xem xét ở góc độ hình sự nếu hành vi đó ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn đến thị trường và nhà đầu tư.