Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp thu các ý kiến đã phát biểu và giới thiệu 3 phiên thảo luận song song vào buổi chiều. Đó là Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh – Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không (phiên 1); Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế (phiên 2); Hợp tác Kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (phiên 3).
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp thu các ý kiến tại Diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Lãnh đạo TPHCM chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành Trung ương, đại biểu trong nước và quốc tế tại phiên khai mạc HEF 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Diễn đàn Kinh tế thế giới hợp tác cùng TPHCM trong tăng trưởng xanh
Tại diễn đàn, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thay mặt lãnh đạo Thành phố và Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trao bản Tuyên bố chung đã được ký giữa Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Giáo sư Klaus Schwab, Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Jeremy Jurgens trao bản Tuyên bố chung giữa UBND TPHCM và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Trước đó, để cụ thể hóa quyết tâm của lãnh đạo Thành phố trong việc chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thủ tướng Chính phủ và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, TPHCM trong thời gian qua đã có những cuộc gặp, trao đổi và làm việc với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và 2 bên cùng thống nhất hợp tác trong việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM, Diễn đàn Kinh tế TPHCM tham gia vào hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM sẽ đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế. Qua đó huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng đại diện của các tổ chức ngoại giao, định chế tài chính quốc tế. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xanh
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho rằng, với vị trí trung tâm kinh tế lớn và năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM đã triển khai các bước đi đầu trong phát triển mô hình này với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Xét về các yếu tố cho sự phát triển của kinh tế xanh, TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước cũng như nước ngoài.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, TPHCM cần tập trung vào một số nội dung cụ thể. Về phía doanh nghiệp, cần tham gia tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, tận dụng được các nguồn vốn mới nổi, các dòng tài chính xanh…
Về phía TPHCM, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân về lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên…
Hơn 1.200 đại biểu đến từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, ngoại giao… tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Tăng trưởng xanh phải thực hiện trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, tiêu chí đánh giá
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, với vai trò đầu tàu cả nước về kinh tế, việc TPHCM lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp định hướng của Đảng và xu thế thế giới.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, để tạo điều kiện thuận lợi cho TPHCM thực hiện thành công, ngoài nỗ lực của TP, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Trung ương, các bộ ngành cần sớm thể chế hóa đồng bộ.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ông cho biết, qua rà soát các nghị quyết về phát triển năng lượng, nghị quyết về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhiều nghị quyết khác, Ban Kinh tế Trung ương thấy rằng, nhiều chủ trương định hướng còn chưa được thể chế hóa trong thực tiễn. Điều này phần nào cũng gây khó khăn cho TPHCM trong chuyển dịch xanh. Nhiều vấn đề về năng lượng, đô thị cũng thiếu chính sách cụ thể.
“Ban đang đánh giá việc triển khai các nghị quyết và ủng hộ cao với TPHCM với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các vấn đề mới nảy sinh”, Phó Ban Kinh tế trung ương nói và nhấn mạnh, Ban cam kết đồng hành với TPHCM trong nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, trên cơ sở đó nhân rộng ra cả nước.
Ông cũng lưu ý, tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, có tiêu chí đánh giá. Trong đó, cần ưu tiên phát triển một số ngành trong Nghị quyết 29 như: công nghệ số, bán dẫn, công nghệ cao…
Về nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết hiện dư nợ tín dụng xanh cả nước mới chiếm 4,2% tổng dư nợ tín dụng, còn rất thấp. Nên ngành ngân hàng cần có cơ chế chính sách tài chính xanh, tạo sự chủ động cho các đô thị đặc biệt như TPHCM.
Ông bày tỏ tin tưởng diễn đàn sẽ góp phần vào sự phát triển chung của TP theo hướng xanh, trở thành địa phương đi đầu, hình mẫu trong chuyển mình tăng trưởng xanh của cả nước.
TPHCM và Thượng Hải có nhiều khả năng hợp tác trong việc chuyển đổi xanh
Bà Tôn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân TP Thượng Hải (Trung Quốc) trình bày tham luận “Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp”.
Bà Tôn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân TP Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bà Tôn Minh mang đến câu chuyện của Thượng Hải – một thành phố “đầy năng lượng” và phân bổ tài nguyên toàn cầu một cách hiệu quả, giúp các doanh nghiệp và ngành công nghiệp sáng tạo phát triển. Năm 2022, GDP của Thượng Hải đạt 4,47 nghìn tỷ nhân dân tệ, đưa Thượng Hải trở thành thành phố lớn thứ 4 trên thế giới và thứ 2 ở châu Á về kích thước GDP. Trong khi đó, GDP/người cũng đạt 26.800 USD.
Là một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vận tải quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ, Thượng Hải cũng đồng thời là một thành phố xanh, thấp carbon và thân thiện với môi trường. Chuyển đổi xanh và thấp carbon đối với Thượng Hải có ý nghĩa to lớn trong việc giảm nhiệt độ toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện phát triển bền vững. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ nỗ lực để đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060.
“Chúng tôi đã cải thiện hệ sinh thái ở Thượng Hải để mang lại nhiều khuôn viên xanh, bầu trời xanh hơn và nước sạch hơn cho người dân. Trong 10 năm qua, nồng độ hàng năm trung bình của PM2.5 tại Thượng Hải đã giảm từ 62 microgram mỗi mét khối xuống còn 25 microgram mỗi mét khối”, bà Tôn Minh nói và cho biết thành phố này đã thúc đẩy sự chuyển đổi xanh và thấp carbon chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, môi trường, giao thông và xã hội tái chế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thảo luận cùng các đại biểu tại Diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo bà Tôn Minh, từ khi Thượng Hải và TPHCM trở thành thành phố kết nghĩa vào năm 1994, hai bên đã tiến hành trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại và kinh doanh, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Hai bên có nhiều khả năng hợp tác trong việc chuyển đổi xanh và thấp carbon trong tương lai. Chúng ta hãy cùng làm việc và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xanh và thấp carbon”, bà Tôn Minh nói.
Quan tâm, tác động thường xuyên đến hành vi tiêu dùng của người dân
Trong bài tham luận của mình, ông Yasuo Takahashi, Nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES), khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng vững mạnh. Mục tiêu của chúng ta giống nhau, đó là tiến tới giảm lượng phát thải ròng về 0. Để giảm sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu, không chỉ quan trọng đối với khu vực, mà còn rất quan trọng đối với toàn thế giới. Điều này đòi hỏi nhiều yếu tố thay đổi trong chính sách tài chính, tiến bộ công nghệ và mang lại cơ hội lớn cho sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nhật Bản đặt ra nhiều kịch bản cho việc giảm phát thải ròng, trong đó có kịch bản khử được khoảng 80% lượng CO2 thì người dân vẫn cần phải sử dụng các loại năng lượng khác, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Yasuo Takahashi, Nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
“Chính vì vậy, chúng tôi xác định cần quan tâm, tác động thường xuyên đến hành vi tiêu dùng của người dân… Song song đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ ngành với nhau, vì thực tế cho thấy nhiều địa phương của Nhật Bản công bố kế hoạch giảm phát thải nhanh hơn, nhiều hơn so với lộ trình chung của quốc gia. Ở Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác với các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…”, ông Yasuo Takahashi cho biết.
Chuyển đổi xanh không đứng một mình mà đi cùng nhau
Tiếp theo, ông Jan Jambon, Bộ trưởng – Thủ hiến Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất Vùng Flanders (Bỉ), nhấn mạnh, hơn 50 năm qua, từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22-3-1973), quan hệ hai nước Việt Nam và Bỉ đã không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Điều tuyệt vời, trong quá trình chuyển đổi xanh này chúng ta không đứng một mình mà đi cùng nhau.
Ông Jan Jambon, Bộ trưởng – Thủ hiến Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất Vùng Flanders (Bỉ). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
“Suốt thời gian qua, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực; thể hiện rõ nét một nền kinh tế năng động, sáng tạo. Đối với vùng Flanders có ngành công nghiệp hóa dầu lớn và Bỉ cũng phải đối diện với những áp lực về môi trường. Tuy vậy, chúng tôi nỗ lực giành một lượng lớn GDP cho đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… Thông qua công nghệ, chúng tôi từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác các loại thải ra môi trường. Trên hết, các yếu tố gồm chính sách, cơ chế bền vững sẽ giúp cho quá trình giảm phát thải ròng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từng bước đạt hiệu quả; góp phần truyền cảm hứng cho các quốc gia, các vùng, lãnh thổ trên thế giới…”, ông Jan Jambon chia sẻ.
6 diễn giả chính báo cáo các tham luận
Sau phần phát biểu khai mạc, ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trình bày tham luận đầu tiên về Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị (như TPHCM).
|
Theo ông Jeremy Jurgens, thế giới ngày nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Bên cạnh những xung đột, thiên tai xuất hiện ngày một nhiều, cùng với đó là những thành tựu, công nghệ đột phá, làm thay đổi những phương thức vận hành, kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, những công nghệ, thành tựu này cần được áp dụng một cách có trách nhiệm để tạo ra sự phát triển bền vững.
Ông nhấn mạnh vai trò của các thành phố, gọi các thành phố là “trung tâm phát thải” với hơn 50% dân số thế giới đang sống ở các thành phố và lượng phát thải chiếm 70%. Những con số này sẽ còn tăng lên trong tương lai. Do vậy cần phải có giải pháp giảm tác động tiêu cực từ việc này.
Ông Jeremy Jurgens nêu ra một số sáng kiến mà WEF đang áp dụng trong mạng lưới của mình. Đó là các sáng kiến về Thành phố Net-zero (Net-zero carbon cities) – nơi mà Chính phủ và doanh nghiệp hợp tác hướng đến tương lai xanh hơn. Đó cũng là sáng kiến về Nông nghiệp chính xác (Precision Agriculture), giúp nông dân tiếp tục canh tác bền vững, góp phần xanh hóa kinh tế, với những số liệu ấn tượng về lượng phát thải giảm, tiết kiệm nước sạch 5-10% trong khi năng suất tăng 10%.
Bên cạnh đó là sáng kiến Sản xuất tiên tiến (Advanced Manufacturing) – sáng kiến rất quan trọng bởi ngành công nghiệp đang tham gia 30% vào phát thải CO2.
“Mạng lưới của chúng tôi sẽ giúp các quốc gia học tập lẫn nhau để áp dụng công nghệ chuyển đổi một cách có trách nhiệm, để đối mặt với những thách thức về kinh tế”, đại diện WEF nói và khẳng định sẵn sàng hợp tác với TPHCM để mở rộng mạng lưới, cùng TPHCM bước đi vững chắc trên hành trình xanh hóa.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Diễn đàn tạo động lực mới cho nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Diễn đàn kinh tế TPHCM lần thứ 4 năm 2023, với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” là một chủ đề rất thiết thực và ý nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay trên thế giới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Diễn đàn quy tụ được các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước, sẽ mang lại những nhận thức mới, những giải pháp hay, những bài học kinh nghiệm quý có thể giúp TPHCM trong việc triển khai hiệu quả chủ trương, chiến lược và chính sách của Đảng, Chính phủ về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng xanh được hiểu như một mô hình phát triển nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cân đối mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô của nền kinh tế, nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của doanh nghiệp, gắn kết người dân và cộng đồng vào những hành động chung, hướng tới mục tiêu chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Việt Nam ủng hộ và luôn đồng hành cùng Liên Hợp quốc trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế và phát triển có tính bao trùm. Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã được phê duyệt.Tuy nhiên, để thực hiện được các cam kết quốc tế cũng như triển khai hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển bền vững, chỉ có nỗ lực hay quyết tâm chính trị vẫn chưa đủ, mà cần sự thấu hiểu, ủng hộ và chung tay rộng rãi của người dân, sự sáng tạo và tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, tính đồng bộ và hiệu quả của chính sách, đồng thời còn cần huy động một nguồn lực to lớn từ xã hội và các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
TPHCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, TPHCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước), về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp TPHCM trong việc tổ chức Diễn đàn kinh tế về tăng trưởng xanh, nhằm chuyển hướng và tạo động lực mới cho nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững, đóng góp quan trọng về thực hiện cam kết và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Để diễn đàn thực sự thành công, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung 3 vấn đề:
Thứ nhất, diễn đàn là cơ hội trao đổi, học hỏi cùng tiến tới nhận thức chung để hành động. Về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng mới bắt đầu triển khai nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Sự hiện diện của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển bền vững; đại diện lãnh đạo địa phương một số quốc gia giàu kinh nghiệm như Bỉ, Đức, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…; đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như WEF, UNDP, ADB…; các nhà quản trị từ các doanh nghiệp hôm nay là cơ hội rất tốt để để các địa phương chia sẻ và học hỏi các bài học kinh nghiệm, các chính sách, mô hình tốt. Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cần theo từng chủ đề và nhóm đối tượng phù hợp, với nhiều phương thức khác nhau, đi cùng với đó là các hoạt động trao đổi bên lề.
Thứ hai, là tận dụng tốt cơ hội kết nối và hợp tác. Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm tài chính, để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các công nghệ xanh, hiệu quả, giảm thiểu chi phí sản xuất và xử lý chất thải; Nhân lực, cả về kiến thức và kỹ năng, là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có thể thực hiện được các ý tưởng và giải pháp về kinh tế xanh; Công nghệ là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Các nguồn lực trên, đặc biệt cách thức để huy động được nguồn tài chính xanh, ngoài vai trò các ngân hàng rất cần sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tài chính quốc tế, với các cam kết hỗ trợ cho phát triển.
Ngoài ra, các cơ hội kinh doanh từ nguồn năng lượng tái tạo; giao thông xanh; chuỗi cung ứng hàng hóa xanh từ sản xuất đến tiêu dùng, đang tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút nguồn lực to lớn từ xã hội, đảm bảo chuyển đổi xanh đi vào cuộc sống thành công. Trong bối cảnh thế giới mới, phương thức triển khai tăng trưởng xanh có nhiều thay đổi với cách tiếp cận đi vào thực chất hơn thì Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn cần nhiều hỗ trợ hơn nữa từ các bên liên quan trong và ngoài nước.
Thứ ba, là các hoạt động tiếp nối sau diễn đàn, những hành động diễn ra trong thực tế tiếp theo mới quyết định sự thành công. Trong đó, hành động đòi hỏi một sự tương tác, phối hợp ở nhiều mức độ, cấp độ từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT… lắng nghe, trao đổi về các ý kiến từ các bài học kinh nghiệm, đề xuất của doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, các tiêu chí xanh, các mô hình thử nghiệm.
Trong đó, với đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, TPHCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh TPHCM có Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Về phía TPHCM và các địa phương, cần phát huy tinh thần chủ động trong việc triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và chiến lược từ Trung ương.
Với các nội dung phong phú từ diễn đàn, các địa phương cần tham khảo để xây dựng định hướng hay chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp, xác định rõ lợi thế và các ngành/lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, nguồn lực triển khai và huy động các doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi cùng đại diện các tổ chức quốc tế. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Về các doanh nghiệp, đây là cơ hội tốt nhất để nhận thức lại mô hình kinh doanh truyền thống, tiếp cận với các cơ hội kinh doanh mới, mạnh dạn liên kết hợp tác và huy động nguồn lực để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh và hướng đến hiệu quả về lâu dài. Sự chậm trễ chuyển đổi sẽ khiến doanh nghiệp tụt hậu xa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khác nhau về tăng trưởng xanh đã và đang ngày càng phổ biến trên thế giới và ngay tại thị trường nội địa.
Diễn đàn đã làm rất tốt công tác truyền thông, nhưng sau diễn đàn cần tiếp tục chuyển tải các thông tin chi tiết hơn, dễ hiểu hơn, phù hợp với đa số quần chúng để tạo sự chuyển biến thực sự về ý thức tiêu dùng xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiến tới một nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững trong tương lai không xa.
Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải ròng bằng không là một thách thức không nhỏ nhưng cũng tạo ra những cơ hội to lớn. Với sự nhiệt tình chia sẻ và hợp tác của các quý vị, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính quyền và toàn xã hội, tôi tin tưởng chúng ta sẽ tạo ra những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, TPHCM cùng nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những bất cập cần phải giải quyết, thúc giục chúng ta gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, TPHCM ý thức rõ rằng mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy TP đã chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo đó, TPHCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng TPHCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách.
Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột.
Đó là phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. Sau diễn đàn, TP sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện khung chiến lược và triển khai khung hành động với nhiệm vụ, mốc thời gian cụ thể.
Diễn đàn là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ký 26-6-2023. Đồng thời thảo luận nội dung thành lập trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TPHCM, nhằm tăng cường hợp tác với các trung tâm cách mạng công nghiệp lần 4 trên thế giới, hỗ trợ giải pháp đột phá cho TPHCM phù hợp quốc gia và xu hướng quốc tế. Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên…
TPHCM đang triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển, tạo môi trường và cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay hành trình tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0.
“Chúng tôi hoan nghênh các ý kiến đóng góp, mong được học hỏi chia sẻ kinh nghiệm của mỗi tổ chức cá nhân vào hành trình ý nghĩa này. Vì hành trình này tạo giá trị không phải cho riêng ai, mà cùng nhau chúng ta tạo nên nền tảng tốt đẹp cho tương lai các thế hệ mai sau”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
————————————————-
HEF là sự kiện quốc tế được UBND TPHCM tổ chức thường niên từ năm 2018 (năm 2020, 2021 không tổ chức do thực hiện công tác phòng chống dịch).
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Phiên khai mạc diễn đàn có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương.
HEF 2023 có sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia thành công trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững của thế giới.
Quang cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Tại phiên khai mạc sẽ có 6 báo cáo chính của các đại biểu xoay quanh các chủ đề như: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực trạng của TPHCM và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Lãnh đạo TPHCM chào mừng các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự HEF 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Tiếp theo đó là các bài phát biểu của lãnh đạo bộ ngành Trung ương nhằm định hướng xây dựng chính sách theo chức năng từng ngành trong vấn đề tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon đồng thời định hướng của các bộ ngành trong việc đồng hành, hỗ trợ chính quyền địa phương (bao gồm cả TPHCM) trong việc triển khai chính sách tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng không.
Đặc biệt còn có nghi thức công bố và trao Tuyên bố chung về hợp tác giữa TPHCM và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
HEF 2023 còn có sự tham dự của đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Phiên thảo luận song song diễn ra vào buổi chiều được chia thành 3 phiên với các chủ đề khác nhau như Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh – Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không; Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững cho một siêu đô thị (như TPHCM); Hợp tác kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỗi phiên sẽ có một lãnh đạo UBND Thành phố chủ trì theo hình thức hội thảo gồm 2-3 bài phát biểu đề dẫn và chương trình tọa đàm nhỏ được chia 2-3 nhóm nội dung, mỗi nhóm sẽ có 7-9 chuyên gia quốc tế và trong nước (tham gia thảo luận).
Các đại biểu tham dự HEF 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Phút mặc niệm các nạn nhân trong vụ cháy xảy ra ở Hà Nội và nạn nhân trong trận lũ quét xảy ra ở Lào Cai. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Trước lễ khai mạc, các đại biểu dự Diễn đàn đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân trong vụ cháy xảy ra ở Hà Nội và nạn nhân trong trận lũ quét xảy ra ở Lào Cai khiến nhiều người thương vong.