Hỗ trợ lãi suất mức vay đến 200 tỷ đồng/dự án
Khoản 8 Điều 5 Nghị quyết 98 quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), như tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. TPHCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc HFIC, đơn vị đã ban hành kế hoạch triển khai trên cơ sở rà soát các nguồn lực về vốn và các nguồn lực khác để triển khai công việc. Những nội dung HFIC tập trung là xây dựng kế hoạch nguồn vốn, rà soát cân đối các nguồn lực để đảm bảo quy mô, vốn nhằm đáp ứng đủ năng lực tài trợ cho các dự án đầu tư theo danh mục lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành chuẩn bị các nội dung về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, HFIC phối hợp Sở Tài chính chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc huy động các nguồn vốn trong nước và nước ngoài của Chính phủ cho các dự án phát triển hạ tầng của TPHCM.
HFIC cũng đang nghiên cứu cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98 nhằm rà soát, đề xuất tham gia đầu tư của HFIC đối với các dự án phát triển hạ tầng của thành phố. Chẳng hạn việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); dự án phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp trong hệ thống HFIC có chức năng, chuyên môn, thế mạnh về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để xem xét đề xuất tham gia các dự án thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa theo hình thức đầu tư PPP…
Nghị quyết 98 đã cho phép HĐND TPHCM được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Bà Lê Ngọc Thùy Trang cho biết, lĩnh vực đổi mới sáng tạo được xác định là đối tượng ưu tiên của TPHCM. Tại kỳ họp chuyên đề tháng 9 tới đây, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM thông qua chính sách hỗ trợ toàn bộ lãi suất đối với các dự án liên quan đến đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, với mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng/dự án.
Công ty Datalogic Việt Nam sản xuất tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Phát triển năng lượng xanh
Tại tọa đàm, vấn đề năng lượng xanh được nhiều đại biểu đề cập. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng thông tin, thời gian qua, đã có một số nhà đầu tư đến đặt vấn đề với địa phương về nghiên cứu đầu tư dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ; và huyện cũng đề ra hướng phát triển các dạng năng lượng tái tạo như sức gió, ánh sáng mặt trời, sinh khối… trong kế hoạch đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 cho phép sử dụng các mái nhà đảm bảo điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở, nhằm giải quyết phần nào nhu cầu năng lượng điện trên địa bàn huyện. Cần Giờ có thể kêu gọi đầu tư phát triển giao thông xanh, chuyển xe sử dụng xăng sang xe điện, thực hiện kế hoạch trồng rừng gắn với tín chỉ carbon, đồng thời triển khai mô hình du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP. Trước mắt, huyện phát triển các sản phẩm OCOP có sẵn, kết hợp thí điểm du khách “nói không với rác thải”, khuyến khích khách du lịch tham gia giao thông xanh (xe buýt điện, xe điện); triển khai năng lượng tái tạo, trước tiên là điện áp mái cho cả cơ quan công, tư nhân và bãi muối.
Đến nay, huyện Cần Giờ đã nghiên cứu sâu và nhận định có khả năng kêu gọi các nhà đầu tư điện sinh khối từ xử lý rác để thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang thực hiện xử lý theo công nghệ có thu hồi năng lượng. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết, huyện có hơn 33.000ha rừng ngập mặn, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 2000. Nghị quyết 98 mở ra cơ hội cho huyện khai thác tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn, tạo nguồn thu cho ngân sách. Đó là việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Đây cũng là lĩnh vực mà Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ cho rằng Nghị quyết 98 đã mở ra cho TPHCM nhiều ý tưởng phát triển mới mà trước đây chưa nghĩ tới.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho biết, Nghị quyết 98 cho phép UBND TPHCM quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, ông Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực TPHCM, thông tin, hiện TPHCM không có nguồn phát điện tại chỗ. Do đó, việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung nguồn điện tại chỗ, góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện và giảm nhu cầu truyền tải điện từ bên ngoài cấp điện vào cho TPHCM. Tính đến hết năm 2022, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà của TPHCM chỉ chiếm tỷ lệ 3,7% so với cả nước, trong khi tiềm năng của thành phố là rất lớn. Việc thành phố triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các công sở còn có ý nghĩa tiên phong, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp cùng tham gia.
Nguồn: Sở GTVT, Sở KH-ĐT TPHCM; Đồ họa: NGỌC TRÂM |