SGGP
Thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua liên tục nóng lên tại nhiều cuộc họp từ trung ương đến địa phương vì lý do khó khăn kéo dài, nhưng thực tế giá nhà đất vẫn rất cao, cách quá xa thu nhập của đại bộ phận người dân.
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS cả nước quý 2-2023 cho thấy, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội dù đang ở mức cao nhưng vẫn tiếp tục tăng trong quý 2. Mức giá tăng cao nhất là ở các dự án thuộc quận Tây Hồ và khu vực xung quanh, khoảng 80-100 triệu đồng/m2.
Tại TPHCM, giá căn hộ tăng khoảng 2%-3% so với quý trước tại một số dự án. Trong khi đó, báo cáo thị trường BĐS TPHCM nửa đầu năm 2023 của Savills Việt Nam cho thấy, thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở TPHCM chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng, trong khi giá căn hộ trung bình ở một dự án hiện nay là 5,5-6 tỷ đồng, mức chênh lệch lên đến hơn 30 lần. Những căn hộ giá trung bình, giá thấp gần như “mất hút” trên thị trường.
Đầu tháng 8, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS. Trước đó, hồi giữa tháng 2-2023, Thủ tướng cũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến về gỡ khó cho BĐS. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận… đã vào cuộc, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng “thúc ép” Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, bơm vốn ra nền kinh tế. Nghĩa là, vừa tháo gỡ về pháp lý cho các dự án nhà ở, vừa kéo lãi suất cho vay xuống thấp. Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên chưa thể kéo giảm giá nhà xuống thấp hơn. Trong khi đó, báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán công bố lợi nhuận khá lớn. Phải chăng mặc dù than khó nhưng thực tế vẫn chưa “thực sự khó” để doanh nghiệp tự tái cấu trúc, hạ giá bán sản phẩm nhà, đất? Hay chưa “bốc đúng thuốc” để trị căn bệnh BĐS hiện nay?
Còn nhớ đợt khủng hoảng trước đây, giai đoạn 2012-2014, khá nhiều doanh nghiệp khi đối mặt với khó khăn buộc phải bán tháo nhà ở, giảm giá sâu từ 40%-50%; đồng thời xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với diện tích nhỏ có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Sự chủ động giảm giá nhà và cơ cấu lại sản phẩm căn hộ đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Quan trọng hơn, vì giá nhà trở lại bình thường nên nhiều người có thu nhập trung bình và thấp đã chạm được giấc mơ an cư. Từ đó giúp phá tan băng thị trường BĐS, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Do vậy, giải pháp cần phải tính toán lúc này là một mặt cơ quan nhà nước phải tháo gỡ pháp lý cho các dự án BĐS nhưng cũng đồng thời phải để thị trường tự điều tiết, không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Mục đích cuối cùng là phải kéo giá nhà giảm sâu, trở về giá trị thực, phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân. Đó cũng chính là cơ hội để phục hồi nền kinh tế: giảm áp lực đền bù giải phóng mặt bằng để phát triển cơ sở hạ tầng, giảm giá thuê đất cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho các dự án nhà ở xã hội…
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng chính sách pháp luật đánh thuế lũy tiến việc sở hữu nhiều nhà, đất để góp phần triệt tiêu đầu cơ, đây chính là giải pháp căn cơ để thị trường BĐS phát triển ổn định.