SGGPO
Chiều 8-8, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” với UBND tỉnh Bạc Liêu |
Thông tin tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 10 dự án điện gió đã đầu tư và đang tiếp tục được đầu tư, với tổng công suất hơn 660 MW, trong đó đã hoàn thành đưa vào hoạt động 8 dự án, công suất 469 MW; cùng với 1.615 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất gần 184 MW đang vận hành phát lên lưới.
So với quy hoạch, Bạc Liêu hiện còn 2 dự án điện gió chưa hoàn thành gồm: Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III, công suất 141 MW và Nhà máy điện gió Nhật Bản Bạc Liêu, công suất 50 MW bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng tiến độ chung; do vướng giải phóng mặt bằng và nhất là vướng mắc trong các thủ tục giao khu vực biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều (đứng) báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW (tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD), đến nay có nhiều bước tiến quan trọng và gần đây nhất, ngày 24-6, lãnh đạo tỉnh có làm việc với Bộ Công Thương về dự án này. Vì vậy, tỉnh kiến nghị sớm ban hành Quyết định chủ trương đầu tư dự án đường dây 500KV từ Bạc Liêu đi Thốt Nốt theo Quy hoạch điện VIII. Cam kết đảm bảo thời điểm nhà máy được đấu nối lên lưới điện quốc gia theo tiến độ đưa nhà máy vào vận hành năm 2027. Cam kết đảm bảo EVN mua điện của dự án để nhà đầu tư có tiền trả nợ vốn vay quốc tế. Phê duyệt “Bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư” theo quy định Điều 11 Luật Đầu tư và Điều 3 Nghị định 31 năm 2021 của Chính phủ. Nhà đầu tư sẽ đưa tổ máy số 1 (800MW) vào vận hành sau 3 năm kể từ khi các vướng mắc, khó khăn nêu trên được tháo gỡ.
“Đề nghị Đoàn giám sát có ý kiến với Chính phủ ban hành cơ chế chính sách chung để tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí LNG thuộc Quy hoạch điện VIII, trong đó có Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia”, ông Phạm Văn Thiều kiến nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu đã ban hành các chương trình, kế hoạch, chỉ thị nhằm triển khai chính sách pháp luật để tổ chức thực hiện các quy hoạch về điện lực, năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo của tỉnh đã có bước phát triển mạnh, tổng sản lượng điện gió đến nay đạt trên 2 tỷ kWh, góp phần thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua giám sát thực tế, ghi nhận ý kiến từ các địa phương, trong đó có Bạc Liêu, Đoàn sẽ có báo cáo tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các ngành liên quan có những chủ trương, quyết sách phù hợp tình hình thực tế, tầm nhìn chiến lược cho tương lai, nhất là từ nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu năng lượng, mang về lợi ích kinh tế cho đất nước, đảm bảo về môi trường, ổn định về đất đai…
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 và làm việc với Công ty cổ phần thương mại Dầu khí Cửu Long tại Bạc Liêu, nghe các nhà đầu tư báo cáo tình hình thi công các dự án điện gió trên bờ và dưới biển.