SGGP
Ẩm thực có lẽ là thứ dễ làm người ta nhớ về một vùng đất, miền quê nào đó, cũng bởi thế mà món ngon phải ăn theo mùa, theo đúng vùng miền. Chất chứa trong cái dư vị mặn, ngọt… là đặc trưng của từng địa phương dựa theo địa lý, khí hậu, văn hóa.
Cơm quê mộc mạc, ấm nồng hương vị tình thân. Ảnh: ĐỖ TÌNH |
Câu chuyện “bỏ phố về vườn” cũng chẳng lạ gì trong nhịp sống hiện nay. Bữa cơm quê nhà xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội, kênh giới thiệu ẩm thực miệt vườn dẫu giản dị bếp củi, rau ngoài vườn, cá ngoài ao nhưng cuốn hút người xem bởi sự thanh bình, thảnh thơi của bữa cơm nhà. Cũng từng đó nguyên liệu, nhưng bữa cơm quê khiến người ta thoải mái hơn khi nấu, bởi nó không cầu kỳ nguyên liệu, cũng không cân chia đong đếm gia vị chuẩn chỉnh theo tỷ lệ như đầu bếp… Mọi thứ chỉ cần vừa miệng, ngon mắt là dọn ra bàn để kịp cái bụng đang réo.
Cơm phố hay cơm quê cũng cần bếp, cần gạo, rau, gia vị… để tròn đầy món mặn, món canh, nhưng cách làm tùy mỗi người và khẩu vị cũng thế. Có người lớn lên từ miệt vườn sông nước, món gì ngon thì cũng phải có chút vị ngọt – kể cả canh chua, cá kho; hay nhìn bữa cơm phải có ớt thiệt cay hẳn là người quen vị món miền Trung.
Cơm phố gần như chiều lòng mọi yêu cầu từ thực khách, đủ món, đủ vị vùng miền và đủ giá tiền từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng. Nhưng người ta thường thích chọn quán theo phong cách miệt vườn, chén đũa càng mộc mạc càng hay, nhất là đôi đũa tre có khi so mãi mà cũng chẳng thể nào đều tăm tắp. Dường như đâu đó giữa những điều hiện đại, xa hoa, thứ khiến người ta thật lòng cảm động có lẽ là những gì giản dị nhất.
Khi mạng xã hội trở thành một phần của cuộc sống, bất kể ai cũng có thể trở thành “nhà sáng tạo nội dung số”. Kỹ thuật quay và dựng video đơn giản, cùng lối kể chuyện bình dân, chất giọng mang nét duyên vùng miền là đủ để người dùng mạng xã hội xiêu lòng bấm theo dõi, nhấn like (thích). Khi người ta đã quá ngao ngán trước những màn đấu tố không hồi kết giữa người làm video với chủ các nhà hàng, quán ăn hay cạnh tranh không sòng phẳng giữa những người làm nội dung số, các kênh giới thiệu bữa cơm quê nhà vẫn từ từ thu hút và giữ chân người xem.
Cơm miệt vườn cũng chẳng cần phải tham gia thử thách tréo ngoe như đi chợ với giá 5.000 đồng hay 0 đồng, bởi dân quê sống với ruộng vườn, chịu khó trồng mấy dây bí dây bầu, con cá ngoài sông, hay mớ khô, mắm thủ sẵn trong nhà là đủ bữa cơm chiều… mà không phải nghĩ ngợi nhiều tiền đi chợ hết bao nhiêu. Cơm quê nhà dễ chịu đến độ, dạo một vòng quanh vườn là có ngay rổ rau tập tàng, luộc lên còn xanh mướt, một nồi kho quẹt hay chén nước tương dầm chút ớt, trái cà chua luộc cũng đủ để đưa cơm.
Cơm quê cũng không có một công thức nấu nướng nào, chủ yếu là bí kíp gia truyền. Sắp nhỏ trong nhà lớn bộn một chút là má bắt xuống bếp học làm đủ thứ, ngoại dạy má thế nào, má chỉ lại từng ấy, cũng bởi thế mà nồi cá kho, tộ canh chua mỗi nhà có một chút bí kíp nêm nếm riêng, cách nấu biến tấu khác đi một chút.
Bữa cơm nhà cứ thế lớn lên theo hành trình trưởng thành của mỗi người, ở đó có tình thương, có lời nội dạy cách cầm đũa, ngồi ăn, xới cơm… Mà dặm dài năm tháng trong đời, dẫu thử qua nhiều món ăn, bao nhiêu là nhà hàng đi chăng nữa, vẫn nhớ hoài chái bếp cay cay mùi khói lam chiều, bữa cơm quê nhà nồng ấm tình thân.