SGGPO
Chiều 3-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3- 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thông điệp của hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong 7 tháng của năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài và nội tại bên trong, nhưng tình hình kinh tế – xã hội vẫn đạt được các kết quả cơ bản. Trong kết quả chung về kinh tế – xã hội có đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực BĐS.
Thủ tướng chia sẻ và cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể liên quan trong phát triển thị trường BĐS. Theo Thủ tướng, cũng như các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác, thị trường BĐS có lúc thuận lợi và lúc khó khăn, các doanh nghiệp có lúc lãi và có lúc lỗ, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện kịp thời các vấn đề nổi lên, các khó khăn, vướng mắc, đánh giá đúng nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường BĐS hiện nay. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Thủ tướng nêu rõ, một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong “một sớm một chiều”. Song tinh thần là rõ đến đâu thì xử lý đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết. Các chủ thể có liên quan (các cơ quan quản lý, các địa phương, các bộ, các ngành, các doanh nghiệp, khách hàng và người dân có nhu cầu mua bán bất động sản) cùng nhau chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm mỗi chủ thể vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng đề nghị đánh giá khách quan, trung thực tình hình thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ và thị trường BĐS hiện nay; phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường BĐS, tập trung vào các vấn đề liên quan tới pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cho biết, trong quý 2-2023, nguồn cung BĐS, nhà ở vẫn hạn chế, hoàn thành có 7 dự án với 2.424 căn. Số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý 1-2023 và bằng khoảng 29,17% so với quý 2-2022. Việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…
Về lượng giao dịch BĐS, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo (58/63 tỉnh), trong quý 2-2023 có 96.977 giao dịch thành công, trong đó lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 29.725 giao dịch thành công và bằng khoảng 75,6% so với quý 1-2023, bằng khoảng 43% so với quý 2-2022; lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công và bằng khoảng 99,98% so với quý 1-2023, bằng khoảng 31,5% so với quý 2-2022.
Về giá giao dịch BĐS, trong quý 2-2023, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM được đánh giá là có những khu vực tăng dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại. Giá bán BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao.
Giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2 – 5% so với quý trước (cá biệt có dự án sản phẩm liền kề shophouse của dựng án được rao bán giảm khoảng 10 – 15% so với giá gốc).