Khoác trên mình mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” của một thế kỷ trước, giờ đây thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển ngoạn mục, vươn lên mang dáng dấp của một “siêu đô thị” hiện đại.
Hòn ngọc Viễn Đông (La perle de l’Extrême-Orient) là một mỹ danh được thực dân Pháp dùng để nói về Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), thủ phủ của liên bang 3 nước Đông Dương là thuộc địa của Pháp những năm đầu thế kỷ XX gồm Việt Nam, Campuchia và Lào. Tham vọng chính của người Pháp muốn tạo ra một thành phố làm đối trọng, thậm chí vượt mặt các thành phố lớn trong khu vực như Singapore và Hong Kong (thuộc địa của Anh).
Giai đoạn này, Sài Gòn từ một thị trấn giữa rừng đã được người Pháp đầu tư xây dựng, quy hoạch theo lối phương Tây. Các công trình lớn được xây dựng trên những vùng đất cao đẹp, rộng rãi và hướng ra dòng sông uốn lượn (nay là sông Sài Gòn). Hàng loạt các công trình nổi bật sau hơn 100 năm vẫn còn tồn tại đến ngày nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Dinh Thống đốc, Phủ Toàn quyền…
Hơn nửa thế kỷ trước, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng ước mơ Quốc đảo của ông được như Sài Gòn. Cũng từng ấy năm là quãng thời gian Sài Gòn bị ảnh hưởng nặng nền bởi cuộc chiến tranh kéo dài, kinh tế không phát triển được. Trong khi đó, đến nay, Singapore không những là thành phố số 1 khu vực Đông Nam Á mà thậm chí còn nằm trong top những thành phố phát triển kinh tế và chất lượng sống hàng đầu thế giới.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những năm gần đây, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn đổi tên năm 1976) bừng tỉnh giấc, phát triển xứng tầm với mỹ danh đã gắn liền với tên gọi một thế kỷ qua. Những tòa nhà chọc trời vươn mình trên biển mây đón ánh mặt trời như muốn thể hiện khát khao chinh phục những đỉnh cao mới của con người nơi đây.
Tháp Tài chính Bitexco nằm ở trung tâm Quận 1 với 68 tầng (3 tầng hầm) cao 262m, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2010, trong nhiều năm là tòa nhà cao nhất và cũng được coi là biểu tượng phát triển mới của TP. HCM.
Mỗi khi một đỉnh cao bị phá vỡ, điều đó thể hiện cho sự phát triển đi lên. TP. HCM thêm một lần ghi nhận kỷ lục tòa nhà không chỉ cao nhất thành phố mà còn cao nhất Việt Nam.
Tòa Landmark 81 được xây dựng ven sông Sài Gòn trên địa bàn Quận Bình Thạnh, khánh thành năm 2018 với 81 tầng, chiều cao 461m tính tới đỉnh tháp.
Không chỉ là công trình có chiều cao kỷ lục từ trước đến nay tại Việt Nam, Landmark 81 còn thể hiện cho sức mạnh vươn lên bầu trời, biểu trưng cho khát vọng vươn tầm thế giới của người Việt, mang thông điệp về một thành phố mới đầy khao khát và nội lực, là một biểu tượng cho sự phát triển năng động của TP. HCM.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện Quận 1) được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TP. HCM (nay thuộc thành phố Thủ Đức mới), một khu đô thị mới bền vững kết hợp chặt chẽ với các điều kiện cảnh quan tự nhiên.
Hệ thống hạ tầng giao thông được mở mang thông suốt với các tuyến đường cao tốc, cầu, hầm vượt hiện đại… tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối thành phố với các vùng phụ cận.
Trong ảnh là nút giao thông ngã ba Cát Lái (quận 2) nằm ở điểm cuối của đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ kết nối với Xa lộ Hà Nội. Đây tuyến đường quan trọng bậc nhất khu vực cửa ngõ phía Đông nối TP. HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Bắc.
Quy hoạch, bảo tồn công viên cây xanh, công trình công cộng, khu vui chơi… hài hòa, cân bằng sự phát triển của thành phố. Trong ảnh là công trình Sân khấu Sen Hồng (cũ) và Công viên 23/9.
Ngã tư Nguyễn Thị Nghĩa – Lê Lai vô cùng tươi mới, hiện đại qua góc nhìn từ trên cao.
Tòa nhà Saigon Centre nằm ở trung tâm Quận 1, quan sát từ một góc phố giao thông tấp nập.
Giao thông tấp nập qua lại các tuyến đường xung quanh cầu Calmette qua kênh Bến Nghé (Quận 4).
Thành phố lên đèn, ngã 6 Phù Đổng (Quận 1) trở lên rực rỡ, hối hả hơn với hàng nghìn phương tiện qua lại.
Góc quan sát từ Quận 8 gói gọn các công trình lớn, những cao ốc chọc trời mang biểu tượng của TP. HCM vào một khuôn hình.
Cầu Thủ Thiêm 2 đang trong quá trình xây dựng. Đây là nút giao quan trọng kết nối hai thành phố cũ và mới giúp phát triển hài hòa, có giá trị tương hỗ mật thiết trong tương lai.
Khi dự án hoàn thành, cùng với cầu Thủ Thiêm 1 và hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức mới) với trung tâm kinh tế, hành chính Quận 1 (TP. HCM).
Dự kiến công trình cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành vào quý 2/2022.
Một góc quan sát các tòa cao ốc tại TP. HCM khi lên đèn, lung linh và lộng lẫy không thua kém bất cứ thành phố phát triển nào trong khu vực như Singapore và Hong Kong.
TP. HCM đổi thay mạnh mẽ với các công trình kiến trúc hiện đại, mang tầm thế kỷ bên sông Sài Gòn.
Khoác trên mình mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” của một thế kỷ trước, giờ đây TP. HCM đã có những bước phát triển ngoạn mục, vươn lên mang dáng dấp của một “siêu đô thị” hiện đại.
30/04/2021