Tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật, gương mẫu thực thi pháp luật
Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022, về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ngày 9/11/2022, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật; Tiến sĩ Hà Công Anh Đào – Cụm trưởng thi đua số 6 – Hội Luật gia Việt Nam, Phó trưởng phụ trách khoa Luật Trường đại học Ngoại thương; Tiến sĩ Đỗ Tất Cường, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Thị Báo, Chi hội trưởng chi hội luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức hội thảo; Tiến sĩ Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa; cùng các đồng chí trong ban chấp hành chi hội Luật gia học viện, các hội viên thuộc chi hội luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chi hội luật gia, Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa cùng các chuyên gia, nhà khoa học…
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp được Đảng và Nhà nước giao phó nhiệm vụ rất rõ ràng. Hội có hơn 70.000 hội viên có trình độ cao. “Vai trò của Hội luật gia rất quan trọng trong giám sát, phản biện và đóng góp xây dựng luật, chính sách của Nhà nước. Phát huy vai trò của trí tuệ tập thể, các hệ thống Hội rất tích cực tham gia đấu tranh nhiều lĩnh vực, trong đó có công cuộc phòng chống tham nhũng. Đây cũng là một nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Nhà nước giao phó. Hội Luật gia không chỉ tham gia giám sát, phản biện và xây dựng luật, mà còn phải hướng tới hỗ trợ những đối tượng yếu thế, tham gia giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật, gương mẫu thực thi pháp luật”, ông Phàn khẳng định.
Phát biểu ý kiến tham luận, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ 3, Viện Quyền con người, đã khái quát quy định của Đảng và Nhà nước về trách nhiệm của Hội Luật gia trong phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, Hội Luật gia Việt Nam đang thể hiện vai trò tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý; phản biện xã hội, giám sát thi hành pháp luật; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật…
Thực hiện hàng loạt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về trách nhiệm của Hội Luật gia trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, Hội Luật gia Việt Nam đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng giai đoạn 2009-2021 và ngăn chặn hiệu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, củng cố và tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân.
Về một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, Tiến sĩ Lê Đinh Mùi, Chi hội phó, Tổ trưởng Tổ 1, Viện NN&PL cho rằng, Chỉ thị 14- CT/TW ngày 01/07/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới đã xác định rõ, Hội luôn tiên phong trên mặt trận pháp lý và trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao trong đó có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường nâng cao chất lượng tham gia xây dựng pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thi hành pháp luật. Tích cực thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nhất là cho người nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa; tham gia công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp ngoài toà án, hoà giải ở cơ sở…
Tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ
Tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh về vai trò của Hội trong xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.
Ông Tuân nhận định, sự tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng khẳng định tính chuyên môn, chuyên nghiệp, khách quan, được các cơ quan soạn thảo tin tưởng và đánh giá cao. Việc tham gia của Hội Luật gia Việt Nam và các tổ chức xã hội khác từ giai đoạn hình thành chính sách pháp luật cho đến khi văn bản pháp luật được ban hành, góp phần xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn của cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện sau khi ban hành.
“Để việc tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng chất lượng và hiệu quả, Hội Luật gia Việt Nam và các cấp hội cần tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng văn bản của hội viên và tổ chức hội; chủ động cập nhật thông tin, nắm bắt kịp thời vướng mắc trong thực hiện pháp luật và yêu cầu từ thực tiễn của đời sống xã hội để đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản pháp luật”, Tiến sĩ nêu rõ.
Cũng tại hội thảo, PGS,TS Trần Quang Hiển, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cũng đã nêu các giải pháp phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam tham gia giám sát, phản biện xã hội về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, các cấp Hội Luật gia Việt Nam cần kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và trong tuyên truyền vận động thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, nâng cao nhận thức cho Hội viên Hội Luật gia các cấp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hội Luật gia phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tích cực đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện trong xây dựng chính sách, kế hoạch khoa học, hợp lý, đảm bảo sự kiên trì, sáng tạo, cầu thị, đúng nguyên tắc để tuyên truyền, vận động thực hiện các nội dung, mục tiêu của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Hội Luật gia các cấp cần tích cực, chủ động phát huy vai trò của tổ chức hội và từng hội viên thực hiện tốt cơ chế thông tin, dân vận để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Nêu quan điểm về vai trò hoạt động truyền thông, báo chí của Hội Luật gia trong phòng, chống tham nhũng, PGS,TS Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Tổ trưởng tổ 5 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá cao các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban thường vụ…
Trong đó, với vai trò chủ đạo, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã đăng tải nhiều tin, bài tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, Tạp chí Pháp luật và Phát triển là một trong những ấn phẩm song ngữ được các bạn đọc quan tâm, nhất là các bài nghiên cứu lý luận pháp luật song ngữ, khi đã đăng tải nhiều bài nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế với công cụ thể chế quan trọng là hệ thống pháp luật tương thích với các yêu cầu và cam kết quốc tế. Tiếp theo, các tạp chí khác thuộc Hội cũng đã có những đóng góp trong việc tăng cường năng lực của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại, thúc đẩy các hoạt động của Hội trong Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Hiệp hội Luật các nước ASEAN.
Về trách nhiệm nêu gương của hội viên Hội Luật gia về phòng, chống tham nhũng, Tiến sĩ Tăng Thị Thu Trang, Hội viên Tổ 1- Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Hội viên Hội luật gia phải thực hiện đúng quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.
Sau các phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật phát biểu khẳng định đồng tình với ý kiến của các chuyên gia đã nêu; đồng thời cho rằng, thông qua Hội thảo này, các nhà khoa học cũng đã phân tích, nêu rõ và tiếp tục khẳng định vai trò cũng như các hoạt động cụ thể của Hội Luật gia trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới. Từ đó, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Phương – Lương Diễn