Trong chuyến đi thăm vùng biển Tây Nam cùng đoàn công tác của Quân chủng Hải quân và TPHCM, phóng viên Tiểu Tân, công tác tại Báo Sài Gòn Giải phóng luôn dành thời gian ít ỏi phác thảo tranh ngay sau khi đi tác nghiệp về đến tàu.
Tiểu Tân tâm sự: “Từ bé tôi đã rất thích vẽ. Tôi ước lớn lên sẽ trở thành hoạ sĩ. Nhưng tốt nghiệp cấp 3, tôi lại đỗ vào khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
Khi đã làm nghề báo được 8 năm, năm 2021, tôi bắt đầu đi học vẽ với các thầy giáo, cũng là hoạ sĩ màu nước, tại câu lạc bộ Màu nước Sài Gòn, Hội Mỹ thuật TPHCM.
Tác phẩm tôi vẽ đầu tiên là bức tranh “Đường về nhà” với không gian một cánh đồng ở quê, có một con đường nhỏ dẫn lối về nhà và xa xa là ngôi làng nhỏ. Bức tranh nhỏ nhưng chứa đựng cảm xúc của tôi khi nhớ về quê hương, cội nguồn.
Nghề báo có những vất vả, thử thách mỗi ngày. Nhưng nghề báo cũng cho tôi cơ hội được đi nhiều, trải nghiệm và cảm nhận nhiều hơn cuộc sống xung quanh. Những chuyến đi tác nghiệp giúp tôi mở rộng không gian cảm xúc. Tôi không chỉ thể hiện ở bài viết, mà tôi còn gửi gắm vào những bức tranh.
Tôi học vẽ vào buổi tối vì tôi luôn ưu tiên cho công việc chính là viết báo. Sau bận rộn với công việc và cuộc sống, hội hoạ trở thành chốn bình yên cho tôi dựa vào để được an trú, chữa lành. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc vẽ tranh để kiếm tiền hay tìm sự nổi tiếng. Với tôi, vẽ tranh là sự trở về với chính mình, là thực hiện giấc mơ thuở bé.
Tôi có duyên với hội họa, yêu thích thế giới sắc màu, tôi chọn những gì đơn sơ, thân thuộc trong cuộc sống xung quanh để vẽ. Khi vẽ cũng là lúc được tập luyện, khám phá màu sắc, nhịp điệu bức tranh. Viết báo hay vẽ tranh, với tôi đều quan trọng, bởi đó là cuộc hành trình tìm kiếm chính mình.
Năm 2024, tôi may mắn được tham gia 2 chuyến đi công tác Trường Sa và biển đảo Tây Nam. Đến mỗi điểm đảo, nhà giàn, ai cũng có cảm xúc rất đặc biệt. Về đất liền, tôi mang theo sự tự hào về non sông biển đảo Việt Nam tươi đẹp và cả lòng thán phục trước tinh thần thép của người lính biển, thực hiện bộ tranh mang tên “Thao thức Trường Sa”.
Hiện bộ tranh đã được bán đấu giá và toàn bộ số tiền được gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thông qua quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Khi đi công tác, trong hành trang của tôi đều có màu, giấy, cọ. Tuy nhiên, thời gian ở các đảo rất ít, tôi phải tập trung cho công tác chuyên môn nên chỉ có thể phác hoạ nhanh, lấy tư liệu và ghi nhớ cảm xúc để về đất liền hoàn thành tác phẩm.
Với tôi, một nhà báo tìm đến đam mê hội họa không dễ, vì mình không phải hoạ sĩ chuyên nghiệp. Song tôi vẫn đang học vẽ, học thêm việc vẽ từ các chất liệu khác. Tôi nghĩ, nếu ai có niềm yêu thích đặc biệt với hội hoạ thì cứ đi học và trải nghiệm.
Vì học không nhất thiết để trở thành hoạ sĩ, mà để khám phá bản thân và có những tác phẩm của riêng mình. Còn để trở thành hoạ sĩ là một chặng đường dài, cần nhiều đam mê, nỗ lực, đặc biệt là tài năng của mỗi người.
Tôi đang vẽ mới khoảng 20 bức tranh về biển đảo (Trường Sa, nhà giàn DK1, biển đảo Tây Nam) và sẽ tiếp tục trưng bày đấu giá để gửi tặng toàn bộ số tiền bán tranh cho quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc”, một phần ủng hộ trẻ em vùng sâu vùng xa vào đầu năm 2025.
Nguồn: https://pnvnweb.dev.cnnd.vn/nu-phong-vien-hoc-ve-de-lam-dieu-y-nghia-20241224155620505.htm