Xu hướng “xê dịch” quốc tế dịp hè đang vô cùng sôi động kể từ sau dịch COVID-19.
Sinh viên Nguyễn Thị Vân Anh
Từ xứ cát đến xứ tuyết
Mùa hè này, ba nữ sinh Nguyễn Thị Vân Anh, Dương Huỳnh Nguyệt Ánh, Nguyễn Thị Hoàng Kim, bộ môn Ả Rập học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), sang Qatar tranh tài Giải đấu quốc tế tranh biện bằng tiếng Ả Rập giữa các trường đại học (International Universities Arabic Debating Championship).
Diễn ra vào cuối tháng 5-2024, giải đấu quy tụ các đội thi của 100 trường đại học từ 50 quốc gia trên khắp thế giới có đào tạo bộ môn tiếng Ả Rập.
Mỗi phần thi diễn ra với thể thức đối đầu trực tiếp, tranh biện về cùng một chủ đề. Một bên sẽ lập luận ủng hộ, một bên phản đối.
Nhóm sinh viên cho biết ngoài kỹ năng về ngôn ngữ, mỗi đội chơi sẽ phải vận dụng các kiến thức, hiểu biết để lập luận và thuyết phục ban giám khảo bằng lý lẽ và chứng minh của mình.
Cách thuyết trình, sắp xếp ý tứ sao cho logic cũng được chấm điểm. Kết quả, nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn giành hai trận thắng trước các đối thủ Đại học Khartoum (Sudan) và Đại học Hồi giáo Maldives (Maldives).
Những chuyến xuất ngoại dịp hè để tranh tài trong những cuộc thi, sân chơi quốc tế không lạ với các sinh viên bộ môn Ả Rập học, trong đó có Vân Anh.
Năm 2023, Vân Anh cũng nằm trong đội hình tranh biện tiếng Ả Rập khu vực châu Á tổ chức tại Oman với sự tham dự từ 20 trường đại học. Năm ngoái, đội thi của Vân Anh cũng giành được hai chiến thắng trước hai trường đại học của Azerbaijan và Malaysia.
Theo Vân Anh, mỗi cuộc thi là dịp để các bạn có thể học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tế khi học và dùng tiếng Ả Rập.
Các bạn biết được trình độ ngôn ngữ của mình đang ở đâu so với bạn bè quốc tế, biết sự khác nhau giữa việc sử dụng ngôn ngữ này ở các quốc gia, từ đó có chiến lược phát triển cho bản thân. Ngoài ra, Vân Anh cũng có thể làm quen với những người bạn quốc tế mới.
Cũng trong hè này, sinh viên Huyền Châu, 21 tuổi, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), vừa nhận được học bổng Chính phủ Nga để tham gia chương trình thực tập tiếng Nga ngắn hạn (10 tháng) tại Viện Ngôn ngữ quốc gia Nga mang tên Pushkin. Đây là cơ hội quý giá để Châu trau dồi tiếng Nga, tìm hiểu văn hóa Nga và kết bạn với bạn bè quốc tế.
“Mình đã mày mò, tìm hiểu trước trên các hội nhóm du học Nga để học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước.
Quá trình xin học bổng mình cũng lo lắng, bất an dữ lắm vì chi phí để làm các giấy tờ (khám sức khỏe, dịch giấy tờ…) cũng ngốn một số tiền kha khá, nên nếu không cẩn thận làm lại thì rất tốn kém.
Chỉ khi mà có kết quả cuối cùng, danh sách lên máy bay sang Nga và nhận được vé máy bay thì mình mới dám thở phào”, Huyền Châu chia sẻ.
Chỉ mất tiền vé máy bay, phí visa
ThS Nguyễn Hoàng Oanh, trưởng ngành ngôn ngữ Trung Quốc Trường đại học Lạc Hồng, thông tin hè năm nay, rất nhiều nhóm sinh viên của trường sẽ “xuất ngoại” tham gia nhiều chuyến học tập khác nhau.
Một nhóm gồm 30 sinh viên sẽ tham gia trại hè hai tuần và thực tập hè hai tháng tại Đại học Bách khoa Quế Lâm (Trung Quốc). Một nhóm khác gồm 10 sinh viên tham gia giao lưu văn hóa hoa ngữ hè 2024 tại Đại học Khoa học kỹ thuật Chihlee (Đài Loan).
Một nhóm nữa gồm 15 sinh viên sẽ sang trại hè thực hành quay và biên tập video, trải nghiệm văn hóa Trung Hoa 2024 do một doanh nghiệp truyền thông ở Phúc Kiến đối tác tổ chức.
Bà Oanh cho biết hầu hết các chuyến đi đều được đối tác tài trợ. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa Quế Lâm tài trợ học phí và phí ký túc xá (tổng chi phí được tài trợ là 955 triệu đồng), Đại học Khoa học kỹ thuật Chihlee miễn học phí, ký túc xá, chi phí đi lại, ăn trưa tại Đài Loan kèm một vé máy bay chiều đi (tổng 152 triệu đồng).
Còn doanh nghiệp truyền thông ở Phúc Kiến cũng miễn học phí, bao ăn, ở, phí tham quan trải nghiệm (tổng 550 triệu đồng). Thông thường, học sinh chỉ tốn tiền vé máy bay và chi phí làm visa.
Theo bà Oanh, các trường đại học, đơn vị đối tác có những hỗ trợ tài chính sẽ tạo điều kiện cho nhiều sinh viên trải nghiệm hè mà không phải tốn quá nhiều chi phí.
Để được như thế, ở cấp độ khoa, trường đại học sẽ cần có những kết nối và làm việc với các đối tác từ trước. Các đơn vị từ Việt Nam có thể chủ động đặt vấn đề để có quyền lợi tốt nhất cho sinh viên.
Tương tự, ThS Võ Thị Mỹ Vân, hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, cho rằng nhiều chuyến trao đổi của sinh viên sẽ dựa trên mối quan hệ hai chiều.
Chẳng hạn sắp tới đây, ba sinh viên và hai giảng viên của trường sẽ sang Trung tâm đào tạo nghề Békéscsaba ở Hungary tham gia chương trình trao đổi.
Trong suốt một tháng, các sinh viên sẽ được học và trải nghiệm như những học viên bản xứ tại Hungary với chi phí học tập, ăn ở do trường đối tác tài trợ.
Rủi ro visa
Mùa hè năm nay, T.T., 20 tuổi, sinh viên một trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, đã đăng ký tham gia chương trình học hè tại Kobe (Nhật) với mục tiêu trau dồi tiếng Nhật.
Tuy nhiên, quá trình làm hồ sơ của T. phát sinh nhiều vấn đề. Đến nay, T. đang gặp trục trặc với visa và nhiều khả năng phải hủy không thể tham gia chương trình.
Một chuyên gia tư vấn du học cho biết rủi ro trượt visa luôn có khi sinh viên tham gia các hoạt động, cuộc thi ở nước ngoài. Nhiều trường hợp dù năng lực học tập rất tốt nhưng cũng đành phải ngậm ngùi không thể đến tham dự chỉ vì không xin được visa.
Theo chuyên gia này, sinh viên nên bắt đầu từ những chương trình ở khu vực Đông Nam Á hoặc những nước miễn visa cho Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề để các bạn có thể dễ dàng hơn khi tham dự chương trình ở những nước xét visa gắt gao hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-tu-nhung-chuyen-xuat-ngoai-mua-he-20240622010212303.htm