SUM VẦY BÊN CHIẾC BÁNH CHƯNG
Trước tết luôn là khoảng thời gian yêu thích nhất của các thành viên trong đại gia đình chị Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo TH, TP.HCM. Mọi người cùng nhau về quê, đi chợ mua hoa tết, trang trí nhà cửa và cùng gói bánh chưng, bánh tét. Thời điểm gói bánh chưng là lúc cả nhà vui nhất. Mọi người mở những ca khúc ngày tết và chia nhau các nhiệm vụ, các cháu cùng rửa lá, vo gạo, đãi đậu xanh, ông bà chẻ lạt, gói bánh. Vừa làm cả nhà cùng kể chuyện những ngày tết xưa, tết nay, kế hoạch nấu ăn, đi chơi ngày tết…
Chị Trà cho rằng trẻ không chỉ học được nhiều bài học hay khi đến trường. Ngay trong mỗi gia đình hay bất cứ nơi đâu, trẻ đều có thể được học thông qua trải nghiệm của mình. Kinh nghiệm của gia đình chị Trà là ưu tiên các hoạt động gắn kết các cháu nhỏ và gia đình, chia sẻ để các con hiểu hơn về tình cảm gia đình cũng như cách chăm sóc ông bà, ứng xử với cha mẹ và mọi người, vì tết là dịp con được gặp gỡ nhiều người hơn.
“Khi ở nhà, ông bà, cha mẹ nên để con cái mình có nhiều ngày trải nghiệm, tự tay làm các việc cùng thành viên khác, để chuẩn bị đón tết truyền thống. Vừa làm việc nhà, ông bà, cha mẹ nên cùng trò chuyện, nói cho con nghe ý nghĩa của từng hoạt động. Ví dụ như vì sao tết đến là gói bánh chưng, bánh tét; vì sao ngày tết nhiều nơi có phong tục dựng cây nêu… Đặc biệt, mâm cơm chiều 30 tết luôn có ý nghĩa quan trọng với gia đình người Việt. Bên mâm cơm đoàn viên sau một năm xa cách, nhiều thành viên mới có dịp quây quần bên nhau, kể về những khó khăn của một năm đã qua, động viên nhau bước tiếp trong một năm mới với nhiều hy vọng…”, chị Trà chia sẻ.
SỐNG CHẬM NGÀY TẾT
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên lịch sử, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, cho rằng thời gian nghỉ tết là dịp các bạn trẻ học được rất nhiều điều từ cuộc sống. Đây là khoảng thời gian để các bạn “kiểm chứng” các bài học lý thuyết ở trường lớp để cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, văn hóa ứng xử, giao tiếp của mọi người trong xã hội.
“Từ góc nhìn văn hóa truyền thống, các em có dịp để trải nghiệm và cảm nhận về các hoạt động lễ, hội mà chỉ khi Tết Nguyên đán về khắp mọi nơi mới có, còn thường ngày rất ít thấy. Ví dụ như nét đẹp mặc áo dài với đa sắc, đa kiểu dáng. Tôi thấy rất vui khi hiện nay mặc cổ phục đang trở thành “trend” của các bạn trẻ, đây cũng là cách các bạn hướng về văn hóa, lịch sử của dân tộc. Hay trong nhiều không gian tết truyền thống, các bạn nhỏ được chơi các trò chơi dân gian mà thế hệ các bạn rất ít hoặc không biết đến như nhảy lò cò, ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây…”, tiến sĩ Huyền Thảo nói.
“Cùng dọn nhà, cùng nấu nướng, cùng gói bánh, cùng trang trí mai – đào, những hoạt động chung đó diễn ra một cách tự nhiên nhưng lại mang nhiều giá trị cho đời sống tinh thần, và giúp các em học sinh học hỏi được nhiều giá trị tốt đẹp từ cuộc sống thay vì những lý thuyết mang tính giáo điều…”, tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo bộc bạch.
Trẻ em cùng tham gia gói bánh chưng, nấu bánh chưng, mua cây mùi già… từ đó hiểu hơn về ngày tết
DẠY CON ĐÓN TẾT VĂN MINH
Tết là truyền thống, là những phong tục đẹp được người Việt gìn giữ bao đời nay. Theo các thầy cô giáo, đây cũng là khoảng thời gian để người lớn làm gương cho các con về những hành vi, thói quen văn minh.
Cô Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ trẻ được nghỉ tết ở nhà nhưng cha mẹ cũng nên duy trì cho các con lịch sinh hoạt cân bằng, không thức quá khuya, ăn ngủ nghỉ đúng giờ giấc, không ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ có chất béo. Hay nếu gia đình có đi du lịch, đi chơi bên ngoài cũng cần chú ý an toàn cho trẻ.
Theo cô Lương Thị Hồng Điệp, ngày tết người lớn thường bận bịu nhưng cũng không nên vì thế mà bỏ bê con cho chiếc điện thoại, máy tính bảng, vì như thế rất có thể khi hết tết thì các con sẽ “ghiền” thiết bị công nghệ.
“Với cách đón tết nào, cha mẹ cũng có thể là người thầy – dạy con từ những điều nhỏ nhất. Như dạy con cách sống biết trân trọng những giá trị tinh thần chứ không chỉ là vật chất. Dạy trẻ biết chúc tết người lớn; biết đưa hai tay đón nhận lì xì; biết nói lời cảm ơn khi được tặng quà; không bóc ngay lì xì trước mặt người lớn rồi bỏ ngay vỏ lại. Hay dạy con khi đến nhà người khác chơi không được quậy phá, cần biết giữ lịch sự… Đó là những điều dù rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng”, cô Điệp nói.
Để đi đâu con cũng nhớ về tết Việt
Từ những ngày hai con gái Mylan, Lyanh còn rất nhỏ, tiến sĩ Phan Bích Thiện, kiều bào VN sinh sống, làm việc tại Hungary, luôn chú trọng dạy các con về văn hóa Việt. Chị dạy các con tiếng Việt, dạy về món ăn Việt và các phong tục, truyền thống, lễ nghi người Việt. Tết Nguyên đán năm nào mà gia đình không thể về Hà Nội đón tết cùng bà ngoại, người phụ nữ Việt ở Hungary cũng tìm mua bằng được lá dong, gạo nếp, đậu xanh để quây quần dạy các con gói bánh, gói chả nem (chả giò), nấu xôi gấc…
Chị bộc bạch gia đình luôn là cái nôi tuyệt vời nhất nuôi dưỡng trong các con tình yêu quê hương, đất nước, để đi đâu thì những giá trị tốt đẹp nhất về quê hương vẫn luôn âm thầm được nuôi dưỡng trong các con.