Hà GiangLò Kim Dung, 10 tuổi, điểm trường Dĩnh Lủng, Đồng Văn không dám đi vệ sinh ở trường do ám ảnh từng lọt xuống bệ xí.
Nhà cách trường 3 km nên Dung đi bộ đến trường mỗi ngày. Trước giờ đi học Dung không dám uống nước, có hôm nhịn ăn sáng, cố gắng “giải quyết” nhu cầu trước để không buồn vệ sinh ở trường. “Ở lớp không có nhà vệ sinh sạch, ngồi trong lớp cũng ngửi mùi rất khai. Nếu đi vệ sinh phải vào vườn ngô, mưa sẽ bị ướt, còn bị lá ngô cắt vào tay”, Dung kể.
Nhà vệ sinh ở điểm trường Dĩnh Lủng (thuộc Trường PTDTBT TH&THCS Tả Phìn) được dựng tạm bợ dựa vào vách đá, che chắn bằng mái tôn. Năm lớp 2, Dung từng lọt chân xuống hố xí khi đi vệ sinh. Xấu hổ với bạn bè, em bỏ học hơn một tuần. Cô giáo đến tận nhà khuyên nhủ, làm tư tưởng mới thuyết phục được em trở lại trường.
Dù Tiến Mạnh, lớp 4A, trường tiểu học Mã Sồ, nói nhà vệ sinh ở trường tạm bợ, phải đi xa, không có nơi rửa tay. Mạnh thường xuyên phải nhịn đi vệ sinh, trốn ra hàng cây sau trường đánh liều mỗi khi không chịu nổi.
Không gặp tình trạng nhà vệ sinh tạm bợ nhưng Hoàng Thị Thảo, trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Sính Lủng, Đồng Văn luôn cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi mỗi khi cần giải quyết nhu cầu cá nhân. Trường hơn 400 học sinh bán trú nhưng chỉ có một nhà công trình vừa làm nhà vệ sinh, vừa là nhà tắm. Các em phải “đăng ký” giờ đi vệ sinh với nhau. Mỗi lần có nhu cầu phải xếp hàng nhiều giờ liền mới đến lượt.
“Em được xếp đi vệ sinh vào lúc tối muộn, tranh thủ 5, 10 phút để tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Vì các bạn cũng phải chờ nên em lúc nào cũng vội. Có hôm đang tắm thì bị một bạn nam chạy vào gọi vì ‘hết giờ”, Thảo kể.
Ám ảnh nhất về nhà vệ sinh ở các trường tại Đồng Văn, Hà Giang là mùi. Những ngày nắng, học sinh nghỉ hè ít sử dụng nhưng mùi hôi từ nhà vệ sinh vẫn thoang thoảng cách 1 km vẫn ngửi thấy. Do thời tiết khô hạn, lượng mưa ít nên hồ treo tại trung tâm xã và các hố nước dự trữ thường xuyên cạn kiệt, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho học sinh.
Cô Trương Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường bán trú TH & THCS xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn chia sẻ, ở đây hơn nửa thời gian của năm là mùa khô, có thời điểm 6 tháng không có mưa. Tình trạng thiếu nước gây khó khăn cho học sinh và thầy cô, việc tắm giặt, vệ sinh cá nhân rất khó khăn. “Không được tắm, đi vệ sinh thiếu nước, nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng cũng có một trong những lý do nhà trường khó duy trì sĩ số”, cô Hoa chia sẻ.
Chia sẻ về việc thiếu nhà vệ sinh tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH & THCS Sính Lủng, thầy Nguyễn Văn Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có hơn 400 học sinh bán trú, hơn 20 giáo viên lưu trú nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, không có phòng riêng, nam nữ sử dụng chung. Vào năm học, các em phải xếp hàng chờ đến lượt dùng nhà vệ sinh. Giáo viên nhường cho học sinh vệ sinh cá nhân nên thường đến tối muộn mới đến lượt. “Quá tải công suất cùng với việc thiếu nước khiến nhà vệ sinh có mùi, không đảm bảo chất lượng học tập, làm việc của cán bộ nhân viên”, thầy Lâm cho hay.
Nhà trường có lượng học sinh đông, nhà vệ sinh không đáp ứng nhu cầu cho học sinh. Nhà vệ sinh không đạt chuẩn, bốc mùi, không có nước để xả. Điều kiện cơ sở vật chất thấp, khiến các em bỏ học giữa chừng, đi học không thường xuyên, ảnh hưởng chất lượng học tập, làm việc của thầy và trò, thầy Chá Mĩ Dình, giáo viên tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Ma Lé nói.
Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn – Lê Quang Hiển cơ sở vật chất trong đó có chất lượng nhà vệ sinh ở địa phương còn thấp. Đa số các trường thiếu nhà vệ sinh, có công trình phụ thì xập xệ, thiếu nước, không có hệ thống tự hủy. Một số trường có nhà vệ sinh kiên cố nhưng thiếu nước, quá tải, thiếu phân khu cho học sinh nam và nữ. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống, học tập của các thầy và trò tại địa phương.,
Hà Phượng