Dở dang việc học vì hoàn cảnh khó khăn
Tối 30.6 vừa qua, bộ sưu tập “The Dreams Of Movement” của Lê Thị Tú Trinh (35 tuổi, sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường đại học (ĐH) Hoa Sen) tại show diễn Fashion Creation 2024 do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức, vừa là đồ án tốt nghiệp vừa là món quà đặc biệt dành tặng cậu con trai 10 tuổi.
Trinh cho biết, bộ sưu tập này lấy ý tưởng từ những phương thức di chuyển như, xe hơi, máy bay và phi thuyền cùng với ước mơ của cậu con trai là trở thành phi công. Các mẫu thiết kế đã tái hiện trên các khối hình đầy sáng tạo qua sự trình diễn của các mẫu nhí tạo nên sự thích thú cho người xem.
Điều khác biệt và gây ấn tượng nhất đối với thầy cô và bạn bè, là Trinh năm nay đã 35 tuổi và có con 10 tuổi. Sau 17 năm kể từ khi tốt nghiệp THPT, Trinh chuẩn bị hoàn thành ước mơ lấy bằng tốt nghiệp ĐH của mình.
Trinh kể: “Năm lên lớp 8, do nhà quá khó khăn nên ba mẹ tôi từ Sóc Trăng lên Bình Dương làm công nhân để có thu nhập, mang theo em của tôi đang độ tuổi mẫu giáo, còn tôi ở lại nhà cậu mợ. Lúc đó ba mẹ thì đi làm cả ngày, chưa tìm được chỗ gửi em nên tôi phải tạm dừng học lên Bình Dương trông em. Được vài tháng, tôi đi làm nhiều công việc như phụ quán cà phê, quán ăn để hỗ trợ ba mẹ”.
Thời gian này, Trinh rất nhớ trường lớp và khao khát được về đi học nên xin ba mẹ cho về đi học lại. Thương con ham học, ba mẹ cô quyết định đưa con về lại nhà cậu mợ nhưng do Trinh nghỉ giữa chừng nên lúc này phải vào học lớp bổ túc. Học đến lớp 11, Trinh lại di chuyển một lần nữa, về hẳn Bình Dương sống cùng ba mẹ và đi học tiếp, tốt nghiệp THPT tại đây.
“Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi nghĩ nhà khó khăn như thế nên quyết định không thi ĐH mà đi làm để phụ giúp ba mẹ. Sau đó tôi lấy chồng và đăng ký học trung cấp. Tuy nhiên đang học thì có bầu, mỗi tháng tôi phải nằm viện tới mười mấy ngày nên việc học lại tiếp tục dở dang”, Tú Trinh kể lại.
Nhiều ngày con không thấy mặt mẹ
Năm 2019, bước vào tuổi 30, con đã được 5 tuổi, công việc cũng tạm ổn, Trinh thấy đây là thời điểm thích hợp để thực hiện ước mơ của mình. Cô quyết định xét học bạ và trúng tuyển vào ngành thiết kế thời trang của Trường ĐH Hoa Sen.
Xuất phát điểm từ một người chưa có kiến thức về tiếng Anh và tin học (do học hệ bổ túc bậc THCS nên khi lên THPT không được học tiếng Anh), lại đã có chồng con, nên Trinh gặp quá nhiều khó khăn so với bạn cùng khóa.
“Hàng ngày, tôi dậy lúc 4 giờ 30 sáng ôn bài, sau đó đến 6 giờ thì chạy xe máy từ Bình Dương đến Q.12 để học, buổi chiều lại di chuyển về Q.3 học tiếp. Suốt 4 năm học, mỗi ngày tôi chạy quãng đường hơn 50 km cả đi và về. Buổi tối cơm nước, dọn dẹp, lo cho con đi ngủ xong, tôi học bài tiếp. Ngành thiết kế thời trang phải làm bài tập và kiểm tra khá nhiều nên tôi thường thức đến nửa đêm”, Tú Trinh chia sẻ.
Khác với các bạn cùng khóa chưa vướng bận gia đình nên thoải mái hơn, Trinh phải cân bằng thời gian học, thời gian lo cho gia đình nhỏ và nội ngoại 2 bên. “Những lúc con bệnh, tôi phải thức chăm bé rồi sáng vẫn phải cố gắng dậy đi học. Có những ngày tôi đi học thêm tiếng Anh, về đến nhà đã gần 22 giờ đêm nên con không gặp mẹ. Chỉ thương bé mỗi ngày đều hỏi mẹ ‘Mẹ ơi, mai mẹ về mấy giờ?’”, Trinh rưng rưng kể.
Với Trinh, cái giá của việc thực hiện ước mơ lấy bằng ĐH cũng rất đắt. Đó là suốt 4 năm Trinh có rất ít thời gian đồng hành cùng con, bỏ lỡ những giai đoạn phát triển của con, không trọn vẹn nghĩa vụ với con khiến chồng vất vả.
“Cũng trong thời gian này, vì quá bận nên tôi không thể về quê thăm ông bà. Khi ông bà ngoại, bà nội mất, tôi đã không có mặt để nhìn họ lần cuối. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội để báo hiếu ông bà”, Tú Trinh bày tỏ.
Chưa bao giờ có ý định từ bỏ
Đặc trưng của ngành Trinh theo học là thường xuyên phải làm ra sản phẩm cụ thể về thời trang, phụ kiện. Sinh viên sẽ phải tự lên ý tưởng, tự tìm chất liệu, tự cắt may… Quy trình này khá tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc. Không ít lần đi chợ kiếm vải ưng ý xong lên mẫu, nhưng chất liệu không phù hợp và lên không đúng ý tưởng, Trinh đã phải bỏ đi và làm lại từ đầu.
Gần đây nhất, khi làm đồ án tốt nghiệp – bộ sưu tập The Dreams Of Movement, vừa vào đồ án được một tuần thì cô phải về quê chịu tang ông ngoại. Do nhiều ngày thức khuya nên khi quay trở lại Bình Dương, Trinh phải nhập viện vì bị suy nhược cơ thể và rối loạn tiền đình.
Sau khi nằm viện 3 ngày và phải ở nhà thêm 2 ngày, tính ra mất 2 tuần làm bài, Trinh phải thức nhiều đêm để theo kịp tiến độ. Do làm bộ sưu tập dành cho trẻ em nên giảng viên rất khắt khe về chất liệu.
“Có những hôm tôi chạy qua chợ Phú Thọ Hòa tìm được 3, 4 loại, chạy sang chợ Soái Kình Lâm có 2, 3 loại, lại quay sang chợ Trần Hữu Trang tìm thêm 4, 5 loại, mang về thầy chỉ duyệt có 1, 2 loại nên hôm sau lại phải đi tìm tiếp. Vừa tốn kém, vừa phải đi nhiều ngày giữa trời nắng nóng, tôi mệt mỏi nhưng lại nghĩ muốn làm tốt thì phải tiếp tục”, Trinh cho hay.
Đồ án của Trinh có tổng cộng hơn 70 loại vải với nhiều chất liệu và là một trong những bộ sưu tập được đánh giá cao nhất khóa (điểm nằm trong top 5), kết quả tuyệt vời hơn những gì Trinh mong đợi. Chưa kể điểm GPA sau 4 năm học của Trinh là 3,48, đạt loại giỏi.
“Quá trình thực hiện ước mơ học ĐH của tôi đã có những giai đoạn thực sự căng thẳng, mệt mỏi vì áp lực, nhưng tôi nhớ đến lý do bắt đầu nên lại nhủ mình phải cố gắng. Chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ vì nếu từ bỏ thì sẽ không bao giờ có thể thực hiện được nữa. Tôi hạnh phúc với kết quả của ngày hôm nay. Ngoài do bản thân cố gắng, tôi còn được sự hỗ trợ, tiếp sức, động viên của chồng và gia đình”, Trinh thổ lộ.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Trinh dự định sẽ học tiếp lên thạc sĩ để trở thành giảng viên. Cô chia sẻ: “Khi chúng ta có một ước mơ, chúng ta hãy cố gắng theo đuổi nó. Có thể vì một lý do nào đó chúng ta chưa thể thực hiện được ngay, nhưng hãy nuôi dưỡng cho đến khi chúng ta có thể. Quan trọng là đừng từ bỏ và luôn kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-tre-12-nam-van-tot-nghiep-dai-hoc-loai-gioi-185240702095808546.htm