Những môn học xuất hiện thường trực trong các kỳ thi vào lớp 10 như Toán, Văn, Anh luôn được học sinh, phụ huynh coi là môn chính, đầu tư về thời gian và tiền bạc, các môn còn lại bị coi là môn phụ, học sinh lơ là, học qua loa.
Tâm lý thi gì, học nấy
Hơn 10 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Phạm Thị Hà, giáo viên Mỹ thuật ở Hà Nội thấy buồn khi nhiều phụ huynh và học sinh có suy nghĩ phân biệt môn học ngay trên trường. Điều này được thể hiện qua việc, học sinh chỉ chú trọng vào các môn phục vụ cho kỳ thi, trong khi các môn khác học trong tâm thế đối phó, qua loa, cốt sao đủ điểm lên lớp, tốt nghiệp.
Không ít lần trong tiết dạy, nữ giáo viên bắt gặp cảnh học trò giấu sách Toán, Văn, Anh trong ngăn bàn, thi thoảng lại kéo ra để đọc, hí hoáy làm bài tập. Khi giáo viên hỏi, học sinh hồn nhiên trả lời do sắp tới có tiết kiểm tra nên các em tranh thủ ôn bài.
“Trong tiết dạy Mỹ thuật mà học sinh lại đem sách môn khác ra để học, thử hỏi có giáo viên nào không tủi thân và chạnh lòng”, cô Hải nói và cho biết, tâm lý thi gì, học nấy hiện vẫn tồn tại trong nhận thức, suy nghĩ của nhiều học sinh, phụ huynh. Các em coi những môn không thi là môn phụ nên xem nhẹ, bất hợp tác trong quá trình dạy và học.
Theo nữ giáo viên, hiện nay trong ngành giáo dục, không có văn bản nào quy định hay phân biệt môn chính – môn phụ. Tuy nhiên các môn học phục vụ các kỳ thi như Toán, Văn, Anh thường được nhà trường quan tâm hơn. Cũng chính bởi vậy mà học sinh và phụ huynh tự ngầm hiểu với nhau, đây là môn chính. Học trên trường chưa đủ, còn tìm đến các trung tâm, lớp học thêm để củng cố kiến thức.
Hệ luỵ xấu tới tương lai
Bàn về thái độ của học sinh khi xem nhẹ các môn học không nằm trong kỳ thi, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, lỗi không hoàn toàn do trẻ mà đến từ phía gia đình, nhà trường và sâu xa hơn là do những chính sách thi cử. Điều này thể hiện từ cách thầy cô dạy học, đến việc phụ huynh đốc thúc con cái học tập và cách chọn môn thi vào lớp 10, vào đại học.
“Ngay từ cấp tiểu học, đã có những trường hợp giáo viên lấy giờ học môn khác ra dạy Toán và Tiếng Việt. Về nhà, nhiều phụ huynh quản lý việc học của con cũng dành phần lớn sự quan tâm đến hai môn học này”, TS Hương nói và cho biết những hành động ấy sẽ khiến trẻ hình thành nên tư tưởng phân biệt môn chính – môn phụ.
Việc học sinh chỉ tập trung vào các môn thi và học đối phó, qua loa các môn còn lại, cốt sao đủ điểm tốt nghiệp không chỉ khiến trẻ học lệch, dẫn đến sự thiếu cân bằng trong tư duy mà còn để lại hậu quả nguy hiểm đến tương lai sau này. Tuy nhiên, chính phụ huynh và học sinh không nhìn ra điều này, mà chỉ quan tâm đến vấn đề điểm số và thành tích trước mắt.
Theo TS Hương, có nhiều học sinh học Toán, Văn rất tốt, điểm IELTS đạt 7.0, 8.0, nhưng lại thiếu những hiểu biết cơ bản trong cuộc sống, thậm chí ”còn chẳng biết cây rau muống, rau ngót hình thù ra làm sao hay con cá chép khác cá trôi thế nào…”. Những kiến thức này được giảng dạy thông qua môn học mà chính các bạn vẫn đang tự gắn mác môn phụ và coi thường.
“Nhiều em còn có suy nghĩ ảo tưởng, rằng mình học tốt các môn Toán, Văn, Anh đồng nghĩa với việc bản thân là học sinh giỏi. Tuy nhiên thực tế các em lại đang thiếu hụt những kiến thức khác về đời sống, xã hội, dẫn đến việc ra đời dễ mắc lỗi, gặp thất bại. Không ít trường hợp khi được hỏi về các danh nhân lịch sử đều trả lời sai. Hay ngay việc giao tiếp cơ bản, học sinh cũng không đủ tự tin”, TS Hương nhấn mạnh.
Nữ tiến sĩ cho rằng, trong hệ thống giáo dục, các môn học đều có vai trò quan trọng việc cung cấp tri thức, đồng thời góp phần định hướng, hình thành nhân cách, kỹ năng.
Những môn tự nhiên giúp rèn luyện tư duy logic và khả năng suy luận, trong khi các môn xã hội mang đến những bài học đạo đức quan trọng. Sự tiếp cận đa dạng giúp học sinh có cơ hội khám phá và phát triển tối đa khả năng cá nhân của mình. Vì vậy cần bỏ ngay quan niệm ”môn không thi không học”.
Việc chỉ chú trọng học môn các môn Toán, Văn, Anh phục vụ thi cử cũng chính là học lệch, không giúp cho học sinh có lượng kiến thức phong phú, mà còn làm xa thêm con đường phát triển và đạt được thành công toàn diện trong tương lai. “Nên đa dạng môn thi vào lớp 10, học sinh được quyền tự do lựa chọn, không nhất thiết chỉ chăm chăm ba môn Toán, Văn, Anh. Để làm được điều này, cần cả hệ thống giáo dục cần thay đổi nhằm tôn trọng năng lực của học sinh”, nữ tiến sĩ nói.
Bộ GD&ĐT lo học sinh học lệch
Tại họp báo Chính phủ chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, thời gian qua, kỳ thi vào lớp 10 do các địa phương chủ động về số môn, thời lượng, đề thi. Bộ nhận thấy đa số tỉnh, thành chọn thi ba môn.
Việc các địa phương tự quyết định số môn thi vào lớp 10 như các năm trước không đồng nhất, “trăm hoa đua nở” tạo ra bất cập trong việc kiểm tra, đánh giá việc dạy và học. Do đó, Bộ dự kiến ban hành quy chế quy định, kỳ thi vào lớp 10 công lập diễn ra với ba môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, môn thứ ba sẽ bốc thăm một trong số những môn được đánh giá bằng điểm số (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học). Môn thi được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Theo ông Thưởng, để địa phương tự chọn, việc này có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy. Còn nếu chọn một môn cố định, Bộ GD&ĐT lo tình trạng học tủ, học lệch.
“Bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ ba, có thể quy định không cố định một môn, năm nay thi xã hội, năm sau thi tự nhiên, sau nữa môn khác, hoặc có thể bốc thăm ngẫu nhiên như dự thảo nêu”, Thứ trưởng nói.
Nguồn: https://vtcnews.vn/hoc-nguyen-toan-van-anh-de-thi-vao-lop-10-cung-la-hoc-lech-ar900984.html