Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc” diễn ra chiều qua (26.3), tại các địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
BẤT NGỜ VỀ VIỆC LÀM SINH VIÊN LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT
Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết một thống kê về tình hình sinh viên (SV) có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng được Bộ GD-ĐT công bố năm ngoái, nghệ thuật là một trong các lĩnh vực đào tạo SV tìm được việc làm có tỷ lệ cao nhất trong 4 năm gần đây. “Con số này có thể gây bất ngờ vì nghệ thuật không thuộc nhóm những ngành có thí sinh (TS) đăng ký theo học nhiều nhất. Nhưng ngược lại với những ngành dẫn đầu TS đăng ký, nghệ thuật lại có tỷ lệ việc làm cao hơn. Ví dụ, năm 2020 tỷ lệ này ở lĩnh vực nghệ thuật lên tới 97% – nghĩa là cứ gần 10 SV tốt nghiệp ra trường sau 1 năm thì gần như cả 10 em đều có việc làm”, tiến sĩ Hải nói thêm.
Lý giải hiện tượng này, tiến sĩ Hải cho rằng trong số 24 lĩnh vực đào tạo tương ứng 377 ngành, nghệ thuật là lĩnh vực có số TS đăng ký học tương đối ít hơn các ngành khác, chỉ xếp thứ 13 trong số 24 lĩnh vực. Năm 2023, tỷ lệ TS trúng tuyển chỉ chiếm 1,36% trong tổng số TS trúng tuyển ĐH, tương ứng khoảng 8.000 SV. Năm 2022, số SV nhỉnh hơn nhưng cũng chưa tới 9.000 người. Do đó, mức độ cạnh tranh giữa các SV sau tốt nghiệp không cao dẫn đến tỷ lệ SV có việc làm cao.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Hải cho rằng một nguyên nhân có thể do lĩnh vực này đòi hỏi người học có năng khiếu nhất định. “Ngoài ra, một phần nguyên nhân có thể từ sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong một thế giới mà công nghệ phát triển như vũ bão thì những khía cạnh nghệ thuật, nhân văn, tâm lý… được chú trọng hơn bao giờ hết”, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân nói thêm.
Về thực trạng đào tạo và việc làm của lĩnh vực kiến trúc xây dựng, tiến sĩ Hải cho biết năm 2023 lĩnh vực này có 18.660 SV theo học. Yêu cầu thực tế của thị trường lao động về nhân lực qua đào tạo cần đạt 75% nhưng tỷ lệ này hiện chỉ ở mức 65%. “Một điểm khác quan trọng về việc làm với SV kiến trúc còn là khả năng tự tạo việc làm. Một thống kê cho thấy, có 20% SV ngành kiến trúc có thể tự tạo việc làm cho mình, 58% làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc dân, chỉ 8% làm việc cho nhà nước”, tiến sĩ Hải thông tin thêm.
Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Liên, cố vấn Khoa Kiến trúc – Mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường hiện đang đào tạo một số ngành theo xu hướng mới, tích hợp công nghệ trong các lĩnh vực đào tạo cụ thể. Có thể nói, những ngành theo xu hướng tạo thêm nhiều cơ hội cho người học.
NGÀNH ĐẶC THÙ CÓ CẦN ĐẦU VÀO ĐẶC THÙ ?
Trước câu hỏi này, đại diện các trường cho biết tùy thuộc vào cách thức xét tuyển từng trường.
Tại Trường ĐH Việt Đức, PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật, cho biết năm nay trường có 5 phương thức xét tuyển cho các ngành. Riêng ngành kiến trúc, trường không yêu cầu TS phải dự thi môn vẽ tại trường. Nhưng ở phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS có thể sử dụng điểm môn vẽ đã thi từ các trường khác để xét tuyển theo tổ hợp quy định của trường.
Nói thêm về việc sử dụng bài thi TestAS xét tuyển ngành kiến trúc, PGS Dương cho biết TS cần thực hiện bài thi dành cho TS xét tuyển nhóm ngành kỹ thuật. Trong đó, bài thi gồm hai phần: kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành, không kiểm tra năng khiếu vẽ. Ở bài thi chuyên ngành TS sẽ được kiểm tra kiến thức toán, vật lý và các môn liên quan. Trong đó, toán và vật lý là điều kiện bắt buộc để học tốt ngành này. Đồng thời, khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo, đôi tay khéo léo cũng là điểm cộng.
“Trường không yêu cầu TS thi vẽ đầu vào nhưng người học sẽ được rèn luyện kỹ năng này ngay trong năm thứ nhất. Sau 4 năm, người học vừa có khả năng vẽ tay, đặc biệt có khả năng dùng công nghệ vẽ bằng máy tính”, PGS Dương chia sẻ thêm.
Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Liên cũng cho biết Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có những lựa chọn khác nhau dành cho TS xét tuyển vào các ngành này. Tùy theo phương thức xét tuyển, TS có thể lựa chọn tổ hợp có chứa môn năng khiếu hoặc không. Nếu xét tuyển bằng điểm năng khiếu, TS có thể dự thi môn vẽ tại trường hoặc xét điểm môn vẽ từ các trường khác.
“Với những TS xét tuyển không sử dụng môn vẽ, ngay chương trình đào tạo năm thứ nhất có những môn học cung cấp kiến thức và kỹ năng vẽ. Khi vào chuyên ngành, SV tiếp tục được luyện tập tiếp các kỹ năng này để đáp ứng được yêu cầu trước khi ra trường”, thạc sĩ Liên nói thêm.
Thông tin thêm, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết lĩnh vực nghệ thuật có 4 nhóm với hơn 30 ngành, không phải ngành nào cũng kiểm tra năng khiếu vẽ ngay khi xét tuyển đầu vào. Ví dụ, Trường ĐH Duy Tân tổ chức thi vẽ mỹ thuật hoặc sử dụng điểm thi môn này ở các trường ĐH khác tổ chức để xét tuyển vào ngành kiến trúc. Trong khi đó, thiết kế đồ họa trường không xét tuyển môn năng khiếu.
Nhưng theo tiến sĩ Hải, các ngành học này vẫn đòi hỏi những yếu tố cần thiết ở người học. Ví dụ, với ngành kiến trúc thì toán, lý là nền tảng cùng với năng khiếu vẽ. “Nếu không vững toán và lý, SV sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập, thậm chí không đảm bảo yêu cầu để có thể tốt nghiệp”, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân nhìn nhận.
Công nghệ có vai trò hỗ trợ
Khi chọn các ngành thiên hướng về nghệ thuật, TS đừng lo lắng. Công nghệ chỉ hỗ trợ làm cho một bức tranh, chương trình, sản phẩm trở nên hoàn mỹ hơn nhưng tất cả vẫn phụ thuộc vào con người. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không thể có cảm xúc như con người để có thể sáng tạo ra những sản phẩm có cảm xúc. Máy móc không thể thay thế con người dù công nghệ có phát triển đến đâu.
Tiến sĩ Trần Văn Hùng
(Phó trưởng khoa Công nghệ kỹ thuật Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng)
Công nghệ phát triển, ngành liên quan nghệ thuật phát triển theo
Sự vận động của xã hội ngày càng gắn liền với sự phát triển công nghệ, với lĩnh vực nghệ thuật thì công nghệ càng phát triển thì ngành này càng phát triển theo. Theo thống kê của năm 2023, nhóm ngành nghệ thuật chiếm tỷ lệ không cao nhưng vẫn thuộc nhóm nhiều TS lựa chọn. Nhiều trường xét tuyển nhóm ngành này với các mức điểm chuẩn cũng khác nhau. Có trường 14 – 15 điểm nhưng có trường như Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có năm lấy tới 27 – 28 điểm. Riêng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM điểm chuẩn các ngành dao động trong khoảng 19 – 21. Đây là mức điểm khá cao trong số các ngành đào tạo của trường, cho thấy sự quan tâm của người học với lĩnh vực này.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích
(Giám đốc Trung tâm thông tin – truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM)
Người học cần tư duy cảm thụ cái đẹp
Việc sử dụng công nghệ có thể hỗ trợ tốt cho mọi công việc trong đó có lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế và kiến trúc. Nếu không có khiếu vẽ, chắc chắn TS sẽ gặp những rào cản nhất định. Nhưng năng khiếu vẽ vẫn có thể rèn luyện được. Những tố chất cần có nhất của người theo học lĩnh vực này là tư duy cảm thụ cái đẹp và tư duy mở. Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, SV sẽ được đào tạo bài bản chuyên môn, thực hành, trải nghiệm để ứng dụng trong công việc thực tế.
Thạc sĩ Trương Quang Trị
(Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)