BBK – Bước qua chiến tranh với nhiều thương tích, bệnh tật nhưng nhiều cựu chiến binh vẫn nỗ lực vươn lên, tỏa sáng trong đời thường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế gia đình và kiến thiết quê hương.
Dù tuổi cao nhưng CCB Mạc Luân Tiến vẫn cần mẫn lao động. |
Năm nay 76 tuổi nhưng cựu chiến binh Mạc Luân Tiến ở thôn Bản Piềng, xã Lục Bình (Bạch Thông) vẫn luôn cần mẫn bên ao cá, trên đồi rừng.
Nhiều lúc thấy ông tuổi cao, sức khỏe hạn chế, lại đã từng nhiễm chất độc hóa học khi tham gia kháng chiến… con cháu khuyên ông nghỉ ngơi, nhưng ông bảo: “Đã là người lính Cụ Hồ thì không bao giờ ngừng nghỉ làm việc, xây dựng cuộc sống gia đình và cống hiến cho quê hương, đất nước”.
CCB Mạc Luân Tiến chia sẻ về trách nhiệm của CCB trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. |
Ông Tiến kể lại: “Năm 1968 nghe theo tiếng của gọi của Đảng, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Đất nước hòa bình, tôi phục vụ trong ngành Công an. Đến năm 1985 do di chứng nhiễm chất độc hóa học màu da cam, tôi xin nghỉ chế độ mất sức 61%. Cuộc sống gia đình khi ấy đông con, túng bấn vô cùng, phải chạy ăn từng bữa. Nghĩ mình bom đạn không sợ thì sao lại chùn bước trước đói nghèo. Nghị lực và bản lĩnh người lính đã giúp tôi vượt qua khó khăn xây dựng được cơ nghiệp, nuôi con trưởng thành như hôm nay”.
Ở Bản Piềng, ông Tiến được biết đến không chỉ là một cựu chiến binh biết làm kinh tế mà còn là người có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương. Tuyến đường nội thôn gần 3km được bê tông hóa, 02 tuyến kênh mương nội đồng được xây dựng có công sức của ông Tiến trong vận động bà con đóng góp công sức, hiến đất khi ông còn làm Bí thư chi bộ. Gia đình ông Tiến cũng tình nguyện hiến 1.000m2 để làm đường giao thông. Năm 2017 tại Hội nghị Người có công, ông Tiến vinh dự được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen.
Ông Nguyễn Đức Tân, Chủ tịch Hội CCB huyện Bạch Thông đánh giá về những đóng góp của hội viên CCB với quê hương. |
Du lịch hiện đã trở thành một ngành nghề mang lại thu nhập khá cho đồng bào Tày sinh sống ven hồ Ba Bể. Nhưng ít ai biết rằng, một trong những người đặt nền móng cho du lịch cộng đồng nơi đây chính là thương binh bậc 4/4, ông Ngôn Văn Toàn, ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu.
Giữa năm 1967, kết thúc giai đoạn huấn luyện, ông Toàn hành quân vào chiến trường Tây Nguyên với nhiệm vụ cùng các đồng đội đánh cắt đường, cầu để chặn đường tiếp tế lương thực, súng đạn của địch. Trong thời gian tham gia chiến đấu ông bị thương 2 lần ở chân và cổ, bị sức ép của bom mìn ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Hòa bình lập lại, ông Toàn tiếp tục phục vụ trong Quân đội đến năm 1989 được nghỉ chế độ. Trở về với cuộc sống đời thường bên hồ Ba Bể, một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch đã giúp người lính năm xưa quyết định cải tạo nhà ở của mình thành homestay. Sự khởi đầu của ông Toàn là điểm tựa cho bà con trong thôn và những thôn lân cận đẩy mạnh du lịch cộng đồng.
Ông Ngôn Văn Toàn (áo sơ mi trắng) đón du khách ngoại quốc vào nhà nghỉ. |
Gia đình ông Toàn hiện có 12 phòng nghỉ đáp ứng được từ 18 – 20 khách, có 2 chiếc xuồng máy chuyên phục vụ khách tham quan các điểm du lịch tại hồ Ba Bể. Ngoài ra, ông còn đầu tư xe đạp phục vụ khách đi dạo quanh hồ và thăm động Hua Mạ. Với nhiều loại hình dịch vụ, gia đình ông trung bình mỗi năm tiếp đón trên 800 lượt khách trong và ngoài nước đến ăn, nghỉ và tham quan du lịch, trừ các khoản chi phí thu về từ 250 – 300 triệu đồng. Ông Toàn chính là tấm gương thương binh “tàn mà không phế” của xã Nam Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ.
Ông Triệu Văn Đàm, thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương làm giàu từ cây bí xanh thơm. |
Ông Triệu Văn Đàm ở thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể từng tham gia đánh Mỹ ở chiến trường miền Nam và sau đó là chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau này ông xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 60% sức khỏe và di chứng chất độc da cam.
Là người không cam chịu đói nghèo và mong muốn kiến thiết quê hương, năm 2016, ông Triệu Văn Đàm đưa giống bí xanh thơm về trồng. Khi đó, loại cây này chưa được người dân mặn mà và tỏ ra hoài nghi. Với những thử nghiệm ban đầu thành công, ruộng bí xanh cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa giúp bà con yên tâm mở rộng diện tích. Nhờ đó cuộc sống của gia đình ông và bà con trong thôn nay đã có nhiều đổi khác. Ngôi nhà khang trang ven tỉnh lộ 258 của gia đình ông Đàm cũng một phần nhờ nguồn thu nhập từ hơn 2.000m2 ruộng trồng bí. Công sức đóng góp của người cựu chiến binh đối với thôn bản càng làm sáng ngời hơn hình ảnh người lính Cụ Hồ.
Dẫu vết thương chiến tranh vẫn đeo đẳng nhưng các thương binh, bệnh binh vẫn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Từng ngày, từng ngày nỗ lực vượt lên khó khăn để phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào công tác xã hội của địa phương, họ xứng đáng là tấm gương sáng để hội viên cựu chiến binh và Nhân dân học tập, noi theo./.