Ai cũng biết, nếu tính suốt một đời người, thì thời gian học trong nhà trường của mỗi người chỉ là một khoảng thời gian không quá dài. Nếu chúng ta tính mình phải học tập suốt đời, thì thời gian tự học của mỗi con người là thời gian học tập dài nhất.
Ngày còn đi học, từ lớp Một tới đại học, với tôi thì thời gian tự học cũng ngang với thời gian học tại lớp. Ngày đó chúng tôi không biết học thêm, chỉ học trên lớp, còn lại là tự mình xử lý bài học bài tập theo quy trình tự học. Chúng tôi may mắn được học theo chương trình bây giờ gọi là “Giáo dục Mỹ”. Hồi đó thì cứ học chứ không biết. Chương trình ấy dạy cho mỗi học sinh không chỉ biết học trên lớp, mà còn biết học ngoại khóa, học trong lao động, học những kỹ năng lao động, hầu hết là lao động chân tay. Và được thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên, từ những luống rau trong trường tới những cánh đồng rộng lớn của các hợp tác xã.
Những ai nghĩ rằng, bây giờ là thời đại AI, trí tuệ nhân tạo, thời của robot thay con người trong những hoạt động chân tay, thì học sinh không cần lao động chân tay nữa. Nghĩ như thế là quá nhầm. Con người, bắt đầu từ lao động chân tay và lao động trí óc, quá trình ấy phát triển lên, kéo dài mãi, dù có lúc lao động chân tay nhiều hơn lao động trí óc, và ngược lại. Nhưng đó vẫn là hai hình thái lao động căn bản của con người. Và tuổi học trò của chúng ta đi qua những bài học trong trường lớp để đi ra, đi tới những bài học trong trường đời.
Ngày còn nhỏ, tôi nhớ những tác phẩm hồi ký của nhà văn Nga vĩ đại Maxim Gorki, trong đó có tác phẩm Những trường đại học của tôi. Ngày đang ở tuổi thanh niên, Gorki không được học đại học. “Những trường đại học của tôi” chính là những “trường đời” mà Gorki phải “học” qua, phải nếm trải để vươn tới một con người thật sự có kiến thức và cả kinh nghiệm sống.
Kinh nghiệm sống thì ai cũng phải trải qua để có nó. Nhưng kiến thức khi chúng ta muốn có, khi đã trải qua trường lớp chính quy, thì phải tự học. Và hình thái tự học cơ bản nhất chính là đọc sách. Xin dẫn ra đây một câu viết trong cuốn sách nhan đề Học tập suốt đời của Peter Hollins mà anh Nguyễn Anh Tuấn (người sáng lập Chương trình Ngôi nhà Trí tuệ và Tủ sách Nhân ái) đã tâm đắc dẫn ra: “Khu vực bao la chưa được khám phá bởi kinh nghiệm của con người tồn tại bên ngoài những giới hạn chật hẹp của trường học chính quy chính là địa hạt quan trọng nhất của giáo dục”.
Vậy, địa hạt quan trọng nhất của giáo dục lại chính là khoảng rộng bao la bên ngoài “những giới hạn chật hẹp của trường học chính quy” hay sao?
Mới nghe câu này, thấy lạ. Nhưng khi đã trải đời, đã đi qua những “giới hạn của trường lớp chính quy”, chúng ta chợt nhận ra, câu viết này nhấn rất mạnh tới “cái vô hạn” của tự học, của “học tập suốt đời”. Mà cốt lõi của tự học suốt đời chính là đọc sách.
Thời gian gần đây, khi tôi có điều kiện trao đổi với một số bạn thân thiết của mình về giá trị của văn hóa đọc, chúng tôi đã đi tới quyết định phải chung tay xây dựng một hệ thống thư viện dành cho các trường học phổ thông, trong đó đặc biệt là các trường phổ thông cơ sở. Đó là độ tuổi các em học sinh rất cần tiếp xúc với sách, rất cần đọc sách. “Phổ đọc” của các em có thể mở rộng, từ sách văn học tới sách bàn và dạy về các “kỹ năng mềm” mà lứa tuổi các em rất cần thụ đắc. Hệ thống thư viện này được xây dựng từ sự chung tay đóng góp của toàn xã hội, không dùng ngân sách nhà nước.
“Hệ thống thư viện trong trường học phổ thông” ấy mang tên một nữ bác sĩ, một người trí thức yêu nước luôn thiết tha với văn hóa đọc, và đã hy sinh oanh liệt trong chiến tranh chống xâm lược Mỹ ngay trên mảnh đất Quảng Ngãi. Người nữ bác sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì Độc lập Tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, đó là chị Đặng Thùy Trâm. Bây giờ, khi tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã tới với người đọc sách khắp thế giới, thì tên tuổi người nữ bác sĩ ấy rất xứng đáng là tên của hệ thống thư viện trong trường học phổ thông này.
Xin nói thật, xây dựng được một “Hệ thống thư viện Đặng Thùy Trâm” như thế này là việc lớn, quá lớn, “vượt ngoài giới hạn” của một nhóm anh chị em chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ, với bất cứ dự án tốt đẹp nào, thì phải có điểm khởi phát, có những người khởi phát để từ đó lan tỏa ra thành “câu chuyện của xã hội”. Qua hệ thống truyền thông nhiệt huyết với dự án này, chúng tôi xin kêu gọi mọi người trong xã hội, hãy “Vì tương lai con em chúng ta” mà ủng hộ, kẻ ít người nhiều, cho dự án đọc sách cần thiết này. Mọi ủng hộ đều đến thẳng thư viện các trường học, không phải qua chúng tôi. Các em học sinh của chúng ta, nhất là các em đang học ở các trường vùng quê, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, các em thực sự có nhu cầu đọc sách, mà đang thiếu sách đọc. Dĩ nhiên là sách tốt.
Khi chúng tôi thực hiện dự án thư viện này tại một số ngôi trường đầu tiên, chúng tôi hết sức vui mừng vì các em học sinh ở những trường đó rất say mê đọc sách, các em đọc tại chỗ, hoặc mượn sách thư viện về nhà đọc. Địa điểm đọc sách không quan trọng bằng chính quyển sách đọc. Và người đọc.
Nếu chúng ta chứng kiến những khách du lịch nước ngoài “ngồi đâu cũng đọc sách”, từ trên các chuyến tàu xe công cộng tới những lúc họ ngồi một mình, ta mới thấy thói quen đọc sách đã thấm vào họ tới mức nào.
Làm sao để thói quen đọc sách này lan ra toàn xã hội chúng ta?
Hãy bắt đầu rèn luyện thói quen đó từ các em học sinh đọc sách.
Hy vọng đây là một dự án thư viện được hưởng ứng và ủng hộ của rộng rãi cả xã hội. Điều đó góp phần rất quan trọng cho thành công của câu chuyện “học tập suốt đời” mà xã hội chúng ta đang rất thiết tha mong mỏi.