Các học viên đến từ Việt Nam là đại diện một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Sở TN&MT T.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng trải qua 4 học phần chính.
Học phần “Chính sách quản lý khí nhà kính và quản lý kiểm kê khí nhà kính của Chính phủ Hàn Quốc (Hệ thống quản lý kiểm kê khí nhà kính cấp doanh nghiệp, chính quyền địa phương và quốc gia)” do GS. Heechan Kang, ĐH QG Incheon trình bầy. Học phần này vô cùng hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Học phần “Quy trình và phương pháp xây dựng kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp” nhằm xây dựng các hướng dẫn và tài liệu hướng dẫn nội dung kiểm kê chính, quy định chi tiết các phương pháp luận, quy trình, phương pháp tính toán phát thải theo nguồn, xây dựng hệ số phát thải.
Học phần “Thiết lập kiểm kê và kế hoạch quản lý đối với ESG (Phương pháp tính toán theo dạng quy mô tính toán) là một học phần khá cần thiết. Bởi vì ESG chính là thước đo các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Học phần 4 là “Kế hoạch kiểm kê khí nhà kính và hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin” trình diễn và giới thiệu hệ thống quản lý kiểm kê khí nhà kính cho các doanh nghiệp đại diện các lĩnh vực trong nước.
Những nội dung đào tạo này đều vô cùng thiết thực đối với Việt Nam, nhất là việc tiếp cận các phương pháp, kinh nghiệm của Hàn Quốc để có thể hoàn thiện các phương pháp luận, xây dựng các hướng dẫn cụ thể và triển khai áp dụng cho các lĩnh vực, cơ sở phát thải trong nước.
Là đại diện địa phương, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng chia sẻ: Thành phố Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2023 là Thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái. Theo đó, thành phố xác định nhiều giải pháp để đạt mục tiêu, trong đó có giảm thiểu khí nhà kính.
“Khóa học này đã trang bị cho tôi nhiều kiến thức, kỹ năng rất hữu ích về kiểm kê khí nhà kính thông qua những hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lĩnh vực này. Qua đó, giúp tôi có thể áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phổ biến cho các bên liên quan, doanh nghiệp về kiểm kê khí nhà kính tại thành phố Đà Nẵng được hiệu quả hơn”, ông Vinh chia sẻ.
Trong khuôn khổ khóa học, các học viên còn thực địa tại bãi chôn lấp chất thải Sudokwon – nơi thu gom và xử lý rác thải đô thị của Seoul, Incheon, Gyeonggi. Bãi chôn lấp bao gồm các cơ sở sản xuất điện, khí đốt, nhiên liệu từ chất thải rắn sinh hoạt, bùn thải và nước thải thực phẩm phát sinh từ 26 triệu người dân sinh sống tại 3 địa phương này. Bãi chôn lấp Sudokwon thực hiện chôn lấp rác thải sinh hoạt an toàn, hợp vệ sinh, áp dụng kỹ thuật và thiết bị hiện đại, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế bằng việc thu hồi khí CH4 để phát điện. Ngoài ra, diện tích trên bề mặt các bãi rác được cải tạo thành những công viên giải trí, thân thiện với môi trường mang tên “Dream Park”. Công viên được thiết kế hiện đại, gồm các khu vực trồng hoa tự nhiên, khu phức hợp thể thao như golf, bể bơi, bóng chày, bóng đá…
Phát biểu bế giảng, ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) đánh giá, Khóa đào tạo trong 5 ngày tuy ngắn nhưng các học viên Việt Nam đã thu thập được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích.
“Chúng tôi cam kết khi trở về Việt Nam sẽ mang những kiến thức về kiểm kê khí nhà kính đã học để áp dụng vào công việc, phát triển mạng lưới kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi hy vọng khóa đào tạo này sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Đại học quốc gia Incheon trong tương lai. Chúng tôi hy vọng được chào đón các bạn từ ĐHQG Incheon tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất”, ông Hiếu nói.
Khóa đào tạo ngắn hạn trang bị kiến thức về kiểm kê khí nhà kính là một hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Thực tế, để triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Tuyên bố chính trị chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với các nước G7 cũng như các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam rất rất cần sự hỗ trợ của quốc tế. Hàn Quốc là một trong những đối tác đáng tin cậy và đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong công tác ứng phó với BĐKH gồm cả khoa học và công nghệ, trao đổi chuyên gia, đào tạo, tập huấn, cấp học bổng cho sinh viên và các nguồn vốn vay ưu đãi.