Nhiều điểm trường vùng cao Quảng Nam có các bé bị ngứa. Các thầy cô giáo lo lắng vì lượng trẻ bị nổi mẩn ngứa, bọng nước khá nhiều do ghẻ nước.
Tại một điểm trường nóc Ông Bình, xã Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) có hàng chục trẻ thuộc khối mầm non, tiểu học có các dấu hiệu giống như ghẻ nước.
Vừa học vừa gãi
Cô Nguyễn Thị Tý, phụ trách khối mầm non tại điểm trường Ông Bình, cho biết trẻ ở điểm trường này liên tục gãi khi đến lớp. Triệu chứng giống như ghẻ mà bà con địa phương thường gọi là “ghẻ nước” xuất hiện từ đầu mùa đông.
“Trên cơ thể, đặc biệt ở các vị trí như mang tai, đầu nổi các nhọt nhỏ mưng mủ. Khi vỡ ra thì rỉ nước và bốc mùi rất hôi. Hiện tượng này không mấy xa lạ nhưng với bà con ở trên núi cao thì cứ đến mùa này lại bị. Ở trường các học sinh được thầy cô làm vệ sinh rất kỹ nhưng về nhà thì lại thiếu sự chăm sóc” – cô Tý nói.
Một tình nguyện viên chuyên làm thiện nguyện cho trẻ vùng cao tại Nam Trà My, Quảng Nam cho biết khoảng hai tháng qua anh đi tới bất cứ điểm trường nào trên núi cũng thấy học sinh ngồi gãi sột soạt.
Nhiều trẻ trên vùng đầu ùn từng đụn nhọt, các cục này mưng mủ, bám vào tóc khiến học sinh ngứa ngáy khó chịu. Nhiều em bị ụ nước nổi lên trên đầu thì cha mẹ phải dùng kéo cắt nham nhở từng vùng tóc để dễ dàng vệ sinh” – anh Nguyễn Khắc Như, tình nguyện viên ở Đà Nẵng, nói.
Tại điểm trường Răng Chuỗi, xã Trà Tập, năm học sinh cũng đang xuất hiện các triệu chứng bệnh ngoài da giống như ghẻ nước.
Nhìn bề ngoài khó phát hiện các vết lở loét tổn thương trên vùng da nhưng khi cô giáo thay quần áo cho trẻ thì thấy nhiều em chi chít các vết sẹo của các ổ ghẻ nước đã lành. Kế đó nhiều vùng da bị tổn thương, mưng mủ, vết lở loét lan rộng từ nhỏ đến vỡ nước và to như hạt đậu.
Đến tận nơi hướng dẫn bà con giặt phơi chăn mền
Ghẻ nước, viêm da tróc vẩy… đang là bệnh thông thường khiến thầy cô giáo và cán bộ y tế ở các cụm dân cư vùng cao Quảng Nam đau đầu. Nguyên nhân được chỉ rõ từ việc thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan trong khi khâu vệ sinh của bà con vùng cao ít được quan tâm.
Ông Trần Trung Hậu, trưởng Trạm y tế xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My), cho biết hiện có nhiều trẻ ở các điểm trường vùng cao, nhiều nhất là ở điểm trường thôn 3 có các triệu chứng của bệnh “tróc vẩy”.
“Cứ đến mùa này là bà con bị, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngành y tế địa phương mùa này cứ phải đi lên tận nơi, vào tận nhà để hướng dẫn, tuyên truyền và giải thích cặn kẽ cho bà con.
Thậm chí phải mang xà phòng, dung dịch sát khuẩn tới tận nhà để hướng dẫn bà con cách giặt chăn mền, đem phơi khô dưới nắng và gió. Tuy nhiên nhiều gia đình không làm kỹ nên bệnh của con cái không trị dứt điểm được” – ông Hậu nói.
Trưởng Trạm y tế Trà Vinh nói rằng cách đây mấy hôm tiếp tục cử anh em lên các làng để phát thuốc, hướng dẫn bà con làm vệ sinh nơi ở, đặc biệt là khu vực ngủ, quần áo, chăn mền.
“Chỉ cần giặt chăn màn bằng xà phòng, phơi khô dưới nắng để mầm bệnh không tích tụ. Quần áo, chiếu, nệm cũng cần giữ sạch sẽ.
Khi trẻ hoặc người lớn bị viêm da, mưng mủ và có mùi hôi, gây ngứa thì dùng dung dịch nước muối pha loãng kết hợp với các loại lá rừng, nước chè để tắm” – ông Hậu nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-sinh-vung-cao-quang-nam-khon-kho-voi-ngua-do-ghe-nuoc-20241204230326456.htm