Sách tham khảo chiếm hơn 40%

Cầm bộ sách Cánh Diều lớp 1 vừa phải mua theo danh sách nhà trường cung cấp, anh Vũ Văn Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, ngoài 9 cuốn sách như đơn vị cung ứng sách công bố, còn có thêm 7 cuốn khác, với giá 281.000 đồng. Với cách bán sách “bia kèm lạc”, số đầu sách tham khảo mà phụ huynh như anh Nam phải “cõng” thêm chiếm hơn 40% trong tổng số sách đã mua. “Ngay sau khi làm thủ tục đăng ký tuyển sinh lớp 1 cho con, trường đã thông báo với phụ huynh về việc mua SGK. Danh mục chỉ ghi tên bộ sách, không ghi rõ cuốn nào là SGK, cuốn nào là sách tham khảo nên tôi nghĩ đây đều là sách bắt buộc phải mua”, anh Nam cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hoài (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đăng ký cho con vào lớp 6 cũng phải mua bộ sách gồm 22 cuốn, gộp từ nhiều bộ sách khác nhau, với giá gần 470.000 đồng. Trong khi bộ SGK lớp 6 thực tế chỉ gồm 15 cuốn với giá khoảng 320.000 đồng; 7 cuốn còn lại đều là sách bài tập.

 Có nhiều bộ sách giáo khoa và sách tham khảo để học sinh lựa chọn.

Theo công bố của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản-thiết bị giáo dục Việt Nam, đơn vị liên kết với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phát hành bộ sách Cánh Diều, bộ SGK lớp 1 gồm 9 cuốn với giá cả bộ là 199.000 đồng. “Bộ SGK có đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018,” như lời Công ty giới thiệu.

Từ nhiều năm nay, cứ chuẩn bị vào năm học, các trường lại làm thay phần việc của những công ty phát hành sách là thông báo phụ huynh mua sách cho các con phục vụ việc học tập trong năm học mới. Việc này diễn ra ở các trường học tại nhiều tỉnh, thành phố. Chẳng hạn, như danh mục sách phục vụ lớp 9 năm học 2023-2024 của Trường THCS Phú Diễn A (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gồm 2 phần, có đến 40 đầu SGK và sách bài tập, với mức giá 756.400 đồng, chưa kể 14 đầu sách tự chọn. Khi nhìn vào danh mục sách nhà trường đưa ra, phụ huynh đều hiểu phần 1 là sách bắt buộc phải có, phần 2 là sách tự chọn. Lý giải việc này, cô giáo Vũ Thị Minh Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn A khẳng định: Việc mua sách hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện đăng ký; trường không hề ép buộc, kể cả với các đầu mục SGK.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc các trường bán SGK trong trường không sai nhưng cần thực hiện sao cho công khai, minh bạch và quan trọng là không ép buộc phụ huynh hay nhập nhèm giữa các đầu sách, khiến phụ huynh lầm tưởng tất cả đều bắt buộc.

Nghịch lý sách bài tập

Không chỉ còng lưng “cõng” sách tham khảo, điều khiến phụ huynh bức xúc là sự lãng phí của các sách này. Đây cũng là vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm, làm nóng cả nghị trường Quốc hội. Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ tới Bộ Công an xem xét dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về in ấn, phát hành sách bài tập, gây hiểu nhầm cho học sinh, phụ huynh rằng đây là SGK và gây lãng phí cho gia đình học sinh hàng nghìn tỷ đồng.

Sách bài tập không nâng cao kiến thức cho học sinh so với SGK nên từ nhiều năm nay, Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số ít trường không đưa sách bài tập vào danh mục sách bán cho học sinh đầu năm học. “Chúng tôi khuyên phụ huynh không nên mua sách bài tập để tránh lãng phí khi không dùng đến. Trong quá trình dạy, giáo viên tùy theo năng lực học sinh sẽ soạn các phiếu bài phù hợp. Nếu thực sự cần mua sách bài tập, giáo viên sẽ thông báo cho phụ huynh”, TS Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức chia sẻ.

Để phụ huynh yên tâm hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Bộ đã chỉ đạo nghiêm cấm thầy cô không lấy bài tập trong sách tham khảo để làm đề bài kiểm tra cho học sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc các nhà trường vẫn tiếp tục bán sách tham khảo kèm SGK trước năm học mới 2023-2024 cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hơn nữa trong vấn đề này.

Bán sách theo kiểu “bia kèm lạc” trở thành vấn nạn trong các nhà trường nhiều năm qua. Do đó, cần cấm bán sách tham khảo trong các nhà trường. Tại buổi họp báo về hoạt động của ngành công an trong 6 tháng đầu năm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho hay, đơn vị này đang điều tra làm rõ nghi vấn sai phạm trong phát hành SGK, trong đó có sách tham khảo.

Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10-6-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, học viên, phụ huynh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo, các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng. 

Bài và ảnh: PHẠM MAI 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.