Ngày 28-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Trường đại học Công nghệ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới 2045”.
Dự kiến kinh phí 20.000 tỉ đồng
Tại hội thảo, TS Đặng Văn Huấn (Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thay mặt ban soạn thảo thông tin một số nội dung trọng tâm của dự thảo đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới 2045”.
Mục tiêu giai đoạn 2025 – 2030, tỉ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan tới công nghệ số.
Tính trên tổng quy mô đào tạo khối ngành STEM, số người học các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ chiếm ít nhất 10% và số người học các chương trình đào tạo tiến sĩ chiếm ít nhất 1%; tỉ lệ nữ giới chiếm ít nhất 25%.
Về chỉ số chất lượng tuyển sinh đại học của phần lớn nhóm ngành STEM được cải thiện và cao hơn mức trung bình chung, ít nhất 40% học sinh từ các trường THPT chuyên học các ngành STEM.
Mục tiêu giai đoạn 2030 – 2035, tỉ lệ người học các ngành STEM đạt 40% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 3% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 20% các ngành liên quan công nghệ số.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của đề án đến năm 2030 khoảng 20.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 16.000 tỉ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỉ đồng.
Có 25 cơ sở giáo dục đại học công lập và 3 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được ưu tiên đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng.
Vì sao học sinh trường THPT chuyên ít lựa chọn STEM?
Trong phiên thảo luận lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án, ông Chử Đức Trình, hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đề án khi được thực hiện sẽ tạo ra cơ chế để Bộ Giáo dục và Đào tạo quản trị được chặt chẽ hơn chuẩn đầu ra của các trường đại học.
Theo ông Trình, đề án cần tập trung ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực đang là thế mạnh của Việt Nam, như ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu,… bởi Việt Nam đã đầu tư rất nhiều nhưng sự phát triển hiện tại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Với các lĩnh vực đang tuyển sinh yếu cần có những cơ chế đặc thù, thay đổi cách truyền thông tới người học.
Ông Trình cho rằng thời gian qua lĩnh vực này đã được bàn luận rất nhiều, nhưng cần phải có quy hoạch việc đào tạo ngành bán dẫn, tránh tình trạng chạy đua đào tạo, tạo ra cho xã hội nguồn nhân lực làm ở những hạng mục công việc có giá trị không cao.
Đặc biệt trong phiên thảo luận, một số ý kiến cho rằng việc nhiều học sinh THPT đang có xu hướng lựa chọn học khoa học xã hội và nhân văn, ít quan tâm đến các ngành khoa học cơ bản, STEM, nhất là với học sinh trường THPT chuyên, đang là một thách thức lớn với việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hòa, Trường đại học Quy Nhơn, cho biết các bạn học sinh lựa chọn học ngành khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên, STEM đang khá thấp, phần lớn theo học khoa học xã hội và nhân văn.
Đại diện Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết những năm gần đây khi đi tư vấn tuyển sinh, trường vẫn “gào thét” những ưu điểm khi học STEM để nhiều học sinh biết đến, nhiều người giỏi tham gia lĩnh vực này, tuy nhiên rất nhiều học sinh giỏi đã không lựa chọn.
“Thị trường làm việc tốt vậy, tại sao ít học sinh vào học, đặc biệt là học sinh giỏi? Đâu đó do thời gian đào tạo dài, kinh phí đào tạo nhiều. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề này thì sẽ khác.
Cần lấy ngân sách của Nhà nước để đầu tư cho lĩnh vực này, có thể cấp học bổng 100%, để từ 5-10 năm nữa có một nguồn lao động STEM giỏi”, đại diện Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết.
Đại diện Đại học Đà Nẵng góp ý tiêu chí đưa ra trong đề án có một vài thông số khó để đánh giá, như 25% nữ theo học các ngành STEM, 40% học sinh trường THPT chuyên vào học STEM… nếu cố gắng đưa vào mục tiêu của đề án sẽ rất khó thực hiện.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc dịch chuyển nữ sang làm công việc liên quan đến STEM là giải pháp rất quan trọng, bởi theo thứ trưởng nữ làm STEM không kém nam giới. Do đó cần có những chính sách ưu tiên, khuyến khích với nữ giới, tạo bình đẳng, công bằng.
Về việc học sinh trường chuyên chọn học STEM có tỉ lệ thấp hơn tỉ lệ chung, ông Sơn cho rằng đây là điều rất trăn trở, bởi khi Nhà nước đầu tư cao vào các trường chuyên thì các em học sinh sẽ phải chọn STEM nhiều hơn.
“Nguyên nhân ở đâu phải khắc phục ở đó. Nếu không đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu nâng cao tỉ lệ học sinh trường chuyên chọn STEM thì việc đào đạo ở trường chuyên đã không đạt được mục tiêu. Chúng ta phải mạnh dạn khắc phục”, ông Sơn Khẳng định.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu tổ biên tập, ban soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại phiên họp, đảm bảo tính khái quát nhưng cần cụ thể để thực hiện đề án thành công.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-sinh-truong-thpt-chuyen-lua-chon-hoc-stem-con-la-tran-tro-20240928150938357.htm