Ngày 17.1, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai đến các phòng GD-ĐT quận, huyện và TP.Thủ Đức quy trình thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh trường ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập năm học 2023-2024.
Trong Quyết định số 4692, UBND TP.HCM xác định thành phố có 147 phường, xã, thị trấn là địa bàn không đủ trường tiểu học công lập năm học 2023-2024.
Chẳng hạn, quận 1 có 4 phường không đủ trường tiểu học công lập gồm: Cô Giang, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, Đa Kao. Còn TP.Thủ Đức là địa phương thiếu trường tiểu học công lập nhất, với 33 phường; quận Bình Tân có 9 phường; quận Tân Bình có 15 phường…
Theo Nghị quyết 16 của HĐND TP.HCM, năm học 2023-2024, học sinh tiểu học tại các trường ngoài công lập ở 147 phường, xã, thị trấn kể trên sẽ được hỗ trợ theo 2 mức:
- 300.000 đồng/tháng: đối với nhóm 1 là học sinh ở TP.Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân;
- 100.000 đồng/tháng: đối với nhóm 2 là học sinh học ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
TP.HCM sẽ cấp trực tiếp tiền hỗ trợ đóng học phí cho gia đình học sinh tiểu học tại các trường ngoài công lập vào cuối năm học theo số tháng thực học (không quá 9 tháng/năm học).
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiệu trưởng trường ngoài công lập có trách nhiệm gửi danh sách học sinh được hưởng chính sách kèm theo hồ sơ, thông tin tài khoản của đơn vị về các phòng GD-ĐT để được thẩm định.
Các phòng GD-ĐT có trách nhiệm thẩm định hồ sơ. Trên cơ sở dự toán ngân sách hằng năm của cấp có thẩm quyền giao và phân bổ, phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm rút dự toán tại kho bạc để chuyển khoản cho các trường ngoài công lập có học sinh theo học.
Ông Nam đề nghị các trường ngoài công lập chịu trách nhiệm chi trả đúng cho học sinh được hỗ trợ, đồng thời thực hiện hồ sơ quyết toán gồm danh sách học sinh được hỗ trợ học phí (có ký nhận) về phòng GD-ĐT.