“Khoảng mở” cho học sinh THPT giỏi vượt trội
Theo cơ chế đặc thù, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai cho học sinh THPT đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo đại học, ban đầu áp dụng với các trường chuyên trực thuộc, nhưng hiện đã mở rộng cho học sinh trường THPT trực thuộc và học sinh trường THPT chuyên cả nước.
Học sinh được đăng ký từ học kỳ II lớp 11, nếu đạt loại giỏi trở lên ở học kỳ trước đó. Kết quả học tập được bảo lưu, học sinh được miễn tín chỉ nếu sau này trúng tuyển vào các trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến nay, gần 50 học sinh trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, THPT chuyên Khoa học tự nhiên đăng ký theo học chương trình này.
Theo thông tin từ ông Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM tại Hội nghị thường niên cuối năm 2023. Năm 2024, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của Đại học Quốc gia TP HCM theo phương thức thực hiện trực tuyến kết hợp với trực tiếp năm 2024.
Hình thức này sẽ được thực hiện đối với học sinh THPT có tài năng vượt trội, không chỉ dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu.
Mô hình này đã được nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã triển khai. Chẳng hạn như tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13, 14 tuổi, đến 16 – 18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.
Nếu đề án này đi vào thực hiện sẽ mở ra cơ hội cho học sinh vượt trội, có tài năng được tiếp cận với giáo dục đại học sớm hơn. Quan trọng hơn, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, hình thức này có thể rút ngắn thời gian học đại học tối đa 1 năm.
Phù hợp với xu thế chung của thế giới
Sau quá trình theo dõi, hầu hết học sinh theo học trước chương trình đại học đều hào hứng, chăm chỉ và tiến bộ rất nhanh. Phụ huynh có con theo chương trình này cũng rất hài lòng và ủng hộ. Đến nay, có học sinh của trường chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn đã tích lũy được 30/130 tín chỉ đại học. Với tiến độ hiện tại, em này có thể tốt nghiệp đại học trong 2 năm.
Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trương xây dựng các môn học theo hướng các chuyên đề, giúp học sinh tích luỹ tín chỉ để rút ngắn thời gian học đại học. Đây cũng là bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chẳng hạn, tại Australia, chương trình giáo dục cho phép học sinh đăng ký học một số tín chỉ trong quá trình chuẩn bị đăng ký vào trường đại học.
Việc xây dựng chương trình và cho phép đăng ký học một số tín chỉ sẽ giúp học sinh sớm tiếp cận chương trình học đại học và rút ngắn thời gian theo học. Có thể, các em chỉ được học một số tín chỉ thuộc chương trình chung (đại cương) chứ không phải chuyên ngành. Ví dụ, học sinh THPT có năng lực học tập tốt, có thể học được một số môn như Lịch sử Văn minh thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… ở ngành Lịch sử bậc đại học.
Khi được học các tín chỉ đại học sớm, học sinh có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn về giáo dục đại học. Sự va chạm này giúp học sinh cảm thấy thích hợp, có động lực tiếp tục vào đại học mình mong muốn. Nếu cảm thấy không hợp thì các em học sinh hoàn toàn có thể chọn con đường, ngành học hoặc ngôi trường đại học khác.
Việc xây dựng thí điểm cho học sinh THPT được học trước chương trình đại học là một chủ trương tốt, phù hợp với mô hình và xu thế chung của thế giới vì muốn có một nền giáo dục mở thì nền giáo dục đó phải mềm dẻo, linh hoạt.
PV