Cuộc thi “Thử thách kinh doanh sáng tạo Việt Nam năm 2024” (VBIC) là sân chơi trí tuệ dành cho học sinh THPT đam mê kinh doanh. Tham gia cuộc thi, học sinh trong và ngoài nước sẽ cùng đưa ra những ý tưởng hay cho doanh nghiệp.
Học sinh giải bài toán từ số liệu thực tế của doanh nghiệp
Vòng chung kết có 13 đội thi, học sinh sẽ nhận số liệu thực tế của Land Rover Vietnam (một thương hiệu xe địa hình hạng sang của Anh), sau đó đưa ra chiến lược, phương hướng giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
Được biết, các vòng trước thí sinh cũng nhận số liệu thực tế của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), sân khấu kịch Hồng Hạc (TP.HCM).
Tiến sĩ Phan Hoàng Lan – giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo, Trường đại học Fulbright Việt Nam – cho biết dù là lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi vẫn thu hút nhiều học sinh cả trong và ngoài nước tham gia.
“Không có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thực sự tin tưởng các bạn trẻ, đặc biệt các bạn học sinh cấp 3. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp cởi mở, sẵn sàng trao cơ hội để các bạn có những số liệu thực tế, từ đó sáng tạo ý tưởng.
Đồng thời mời chuyên gia trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, marketing, tài chính, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo… hỗ trợ về kiến thức cho các em khi tham gia cuộc thi”, bà Lan nói thêm.
“Tham gia giải bài toán, các bạn hiểu được khó khăn của doanh nghiệp, từ đó đưa ra giải pháp tương ứng. Việc để giới trẻ tiếp cận với các vấn đề thực tế cuộc sống rất quan trọng. Nếu chỉ học lý thuyết, học sinh khó tiếp cận nhanh với những vấn đề doanh nghiệp, khi được tìm hiểu sớm các bạn có thêm kinh nghiệm”.
Thêm cơ hội tiếp cận kiến thức mới
Shun Abe (học sinh người Nhật Bản, đang học tại Trường quốc tế BIS TP.HCM) cho biết tham gia cuộc thi, em có thêm được nhiều kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh.
“Em học được nhiều kỹ năng như nghiên cứu, làm việc nhóm, thuyết trình, nói trước đám đông. Là học sinh lớp 10 tham gia cuộc thi, em cũng gặp nhiều thử thách, khó khăn trong vấn đề đưa ra ý tưởng chung, tìm kiếm thông tin đề tài.
Nhưng giám khảo nhận xét rất khách quan và những lời khuyên này giúp chúng em có thêm góc nhìn rộng trong lĩnh vực kinh doanh” – Shun Abe nói thêm.
Đinh Vũ Minh Tuấn (học sinh Trường phổ thông liên cấp Vinschool The Harmony, Hà Nội) cho biết rất vui và bất ngờ khi vào được vòng chung kết.
“Bọn em học được phân tích tài chính kinh doanh của một doanh nghiệp, điểm yếu, điểm mạnh, những cái cần khắc phục để doanh nghiệp phát triển hơn. Tuy nhiên vẫn thiếu ý tưởng để đưa ra giải pháp, lợi ích cho các doanh nghiệp”, Tuấn nói.
“Đây là lần đầu tiên em tham gia cuộc thi. Chúng em có nhiều cơ hội để tiếp cận với những kiến thức mới, đối mặt với thử thách mà học sinh cấp 3 chưa từng nghĩ tới, biết cách giải quyết vấn đề sao cho sáng tạo. Tham gia cuộc thi, được quen nhiều bạn, em học hỏi được nhiều góc nhìn từ nhóm khác”.
780 thí sinh đến từ 10 quốc gia khác nhau
Cuộc thi “Thử thách giải bài toán thực tế của doanh nghiệp năm 2024” do Trường phổ thông liên cấp Olympia phối hợp Trường đại học Fulbright Việt Nam tổ chức.
Khởi động từ tháng 1-2024, cuộc thi đã thu hút hơn 260 đội thi với hơn 780 thí sinh đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Qatar, Hong Kong, Đức…