Học sinh chui rào kẽm gai, người dân cầu cứu
Liên quan việc học sinh chui rào kẽm gai, theo đơn cầu cứu của người dân gửi UBND huyện Lạc Dương, từ đầu năm 2024, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội, chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, lấy kẽm gai, máy hàn, trụ rào kín con đường băng ngầm miệng hầm thủy điện, yêu cầu nhân viên không được mở cổng cho người dân đi lại.
Bà N.H.T. (người viết đơn cầu cứu) cho biết: “Sáng nay gia đình đưa cháu (7 tháng tuổi) đi tiêm chủng nhưng không được mở cổng. Bên cạnh đó những hộ có vườn không vận chuyển hàng hóa đi lại được ảnh hưởng đến kinh tế.
Một gia đình hiện có hai cháu đang theo học tại Trường tiểu học xã Lát, nhưng mỗi ngày đến trường và về nhà hai cháu phải chui qua hàng rào”.
Theo UBND xã Lát (huyện Lạc Dương), UBND xã đã đề nghị với nhà máy thủy điện mở cổng tạo điều kiện cho người dân đi lại trong thời gian mở con đường mới, tuy nhiên nhà máy vẫn không mở đường cho dân đi.
Theo các hồ sơ từ UBND huyện Lạc Dương, con đường băng ngang qua miệng hầm thủy điện là con đường người dân đi lại từ trước khi có thủy điện đến nay. Nhờ con đường này, người dân đi làm, trẻ em đi học chỉ đi con đường bằng phẳng dài khoảng 200m, thay vì phải đi đường vòng, dốc thô sơ khoảng 4km.
Đường chung thành đường riêng
Có mặt tại khu vực xảy ra vụ việc, chúng tôi ghi nhận con đường vòng mà dân phải đi để tránh không qua miệng hầm thủy điện rất dốc. Xe bán tải 2 cầu lên dốc trượt bánh liên tục. Hai bên đường bị xói mòn và sạt lở bất cứ lúc nào. Chỉ trong một buổi chiều, chúng tôi chứng kiến nhiều xe máy bị trượt té. Ông P.L. (người dân trong khu vực) cho biết: “Chuyện té xe là như cơm bữa. Đêm hôm thì việc đi lại gần như không thể. Tôi chỉ mong không có chuyện đau ốm gì trong đêm, chứ đã ở vùng sâu vùng xa mà còn bị cấm đường kiểu này dân không biết sống sao”.
Về con đường này, theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương, trước khi thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, người dân tại khu vực đã sử dụng đường đất hiện trạng để lưu thông sản xuất cà phê ở tiểu khu 227B (xã Lát). Sau khi dự án được đầu tư, người dân sử dụng chung tuyến đường giao thông phía trên đập thủy điện. Diện tích đất tuyến đường hiện trạng người dân đã sử dụng để lưu thông sản xuất cà phê trước khi thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo tại khu vực lòng hồ là 2.517m². Cũng theo UBND huyện Lạc Dương thì diện tích đất này Công ty Long Hội đang sử dụng nhưng không bồi thường vì đó vốn là đất đường giao thông.
Trong 2 ngày 3 và 4-4, công an và cơ quan chức năng huyện Lạc Dương đã có mặt tại vị trí thủy điện Đạ Dâng ở thôn Păng Tiêng, xã Lát để giữ gìn an ninh trật tự. Nguyên do, trước đó một số người dân vì bức xúc đã kéo đến yêu cầu công ty này tháo dỡ cổng và rào chắn để người dân được đi lại.
Còn phía Công ty thủy điện Long Hội đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng một số hộ dân đưa máy xúc tiến hành đào đất phía trên đường hàm dẫn nước của Nhà máy thủy điện Đạ Dâng. Việc này có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn công trình.
Các hộ dân trong khu vực thừa nhận vụ việc nói trên, tuy nhiên họ cho rằng đất phía trên là đất của cá nhân. Việc đào đất là để mở đường vào nhà và thuận tiện cho học sinh đi học.
Hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo từng bị sập
Thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo là tổ hợp hai nhà máy thủy điện hoạt động liên hoàn, là thủy điện Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đa Dâng tại xã Lát, huyện Lạc Dương, và thủy điện Đạ Chomo trên suối Đa Chomo (một phụ lưu của sông Đa Dâng) tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2014, trong quá trình thi công vụ tai nạn sập hầm đã xảy ra khiến 12 công nhân bị mắc kẹt. Đây là vụ tai nạn sập hầm gây chấn động.