Giám sát từng bữa ăn của con
Gần đây, liên tiếp nhiều vụ học sinh ngộ độc thực phẩm khiến phụ huynh “đứng ngồi không yên”. Cụ thể, chiều 23/9, 12 học sinh trường THCS và THPT Kiên Hải (Kiên Giang) đồng loạt nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm.
Ngày 9-10/10, trường cao đẳng Lào Cai có 40 học sinh, sinh viên phải nhập viện điều trị sau khi dùng bữa tại căn tin, có những triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói.
Cùng ngày 10/10, trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) ghi nhận 6 học sinh đau bụng, nôn ói sau bữa ăn bán trú. 5 học sinh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, em còn lại nằm nghỉ tại phòng y tế của trường.
Hiện sức khỏe của các học sinh đã ổn định, các trường đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân. Tuy vậy, đây là lời cảnh báo về vấn đề vệ sinh thực phẩm trong trường học. Giờ đây, ngoài những khoản phí đầu năm, phụ huynh lại “nặng” thêm một nỗi trăn trở về bữa ăn của các con.
Có con học lớp 11 và ở lại ăn bán trú, chị Đ.T., quận 8, TPHCM rất lo lắng khi thấy nhiều trường hợp học sinh ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa tại trường. Chị thường nhắc nhở con quan sát kỹ phần ăn, báo cáo cho giáo viên khi thấy dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý.
Để an tâm, phụ huynh này dặn dò con chụp lại phần ăn mỗi ngày để dễ kiểm tra, quan sát. Chị Đ.T. mong nhà trường sẽ liên kết với các đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, đảm bảo phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, an toàn cho học sinh.
Cùng tâm trạng, anh Lê Trung Kiên, phụ huynh có con học lớp 6 tại quận Tân Phú, cũng than thở: “Mỗi ngày thấy con đi học về tới nhà tôi mới an tâm được. Biết là các nhà trường đã chủ động để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng bậc cha mẹ thì không thể an tâm 100% khi nhiều vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra”.
Cũng như chị T., anh Kiên thường xuyên nhắc con phải nhìn kỹ đồ ăn có đảm bảo hay không, ngửi đồ ăn trước khi ăn coi có bị ôi, thiu hay không rồi mới bắt đầu ăn.
“Ngày nào về cháu cũng kể hôm nay đồ ăn ở trên lớp thế nào, mặn ngọt ra sao. Khi cháu phản ánh đồ ăn hôm nay ngon tôi cũng sẽ nhắn tin cho cô giáo để cảm ơn nhưng những khi đồ ăn không vừa ý cháu tôi cũng nhắn để nhờ cô quan tâm hơn. Tôi nghĩ an toàn thực phẩm là nhà trường và phụ huynh cần phải đặc biệt lưu ý mọi lúc mọi nơi”, anh Kiên nói thêm.
Tương tự, anh L.K., quận 6, TPHCM cho biết, vì nhà khá xa, ba mẹ đều đi làm nên cho con dùng bữa bán trú tại trường để thuận tiện.
Anh bày tỏ, phụ huynh không cho con ra ngoài ăn vì muốn đảm bảo vệ sinh cũng như yên tâm hơn khi có công tác quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, qua theo dõi tin tức, anh thấy nhiều vụ học sinh nôn ói, đau bụng, phải nhập viện điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe của các con.
Do đó, anh L.K. hy vọng các trường sẽ rút kinh nghiệm, kiểm định vệ sinh chặt chẽ, có quy trình cung cấp thức ăn sạch sẽ để bảo vệ học sinh, mỗi ngày đưa con đến trường phụ huynh cũng bớt một nỗi lo lắng.
Kiểm soát từ mỗi bó rau, cân thịt
Về công tác tổ chức bán trú, ông Hoàng Công Phú, Phó hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Lộc B, TPHCM cho biết, hiện trường có hơn 1.200 em dùng bữa bán trú tại nhà ăn, hơn 300 em dùng bữa tại căn tin hoặc tự chuẩn bị suất ăn bên ngoài. Với số lượng lớn học sinh dùng bữa, nhà trường càng phải đảm bảo vấn đề vệ sinh.
Theo ông, trước hết nhà trường cần lựa chọn hợp tác với những đơn vị uy tín, có giấy phép pháp lý và tổ chức giám sát quy trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Từ cơ sở vật chất, thiết bị, không gian, dụng cụ nấu nướng hay khay thức ăn, muỗng đũa đều phải đảm bảo nghiêm ngặt. Đây là điều kiện tiên quyết sống còn”, ông khẳng định.
Về phía nhà trường, ông nhận định, ban quản lý bán trú phải được cơ cấu chặt chẽ, tổ chức tập huấn, trang bị vững chuyên môn. Đặc biệt là những người phụ trách khâu giám sát thức ăn.
“Những hồ sơ, hóa đơn, chứng từ về nguyên liệu, nguồn gốc thức ăn phải minh bạch và đầy đủ. Một bó rau, một cân thịt cũng phải được kiểm soát đầu vào, nhập từ nguồn uy tín. Chỉ cần lơ là, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ rất cao”, ông Phú cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông, việc lưu trữ thực phẩm tươi sống, nguyên liệu khô, rau củ quả cũng cần đảm bảo về thời gian, nhiệt độ, bám sát khung quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.
“Người nấu trong bếp ăn phải khám sức khỏe định kỳ, có chứng nhận tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đúng tác phong, trang phục. Từ nguyên liệu thô đến khay thức ăn của học sinh là một quá trình dài, đòi hỏi sự kỹ lưỡng, chỉn chu trong từng công đoạn”, ông cho biết.
Do đó, ông nhấn mạnh, các trường cần đặt mục tiêu cải thiện qua từng năm, rút kinh nghiệm từ những trường hợp thực tế đã xảy ra. Thông qua đánh giá, phản hồi từ phía học sinh và phụ huynh, nhà trường cần thắt chặt các khâu, thay đổi nhằm nâng cao chất lượng.
Theo thống kê, hiện TPHCM có hơn 2.400 trường học và gần 2.000 nhóm trẻ độc lập tư thục. Do số lượng học sinh lớn, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục thành phố trong nhiều năm qua.
Hồi đầu năm học, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể, các đoàn kiểm tra của Sở ATTP sẽ phối hợp với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện chính quyền địa phương để tiến hành kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học. Trong trường hợp cần thiết, đoàn kiểm tra có thể mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp. Thời gian kiểm tra từ ngày 15/9/2024 đến ngày 31/10/2024.
Công tác kiểm tra tập trung vào các vấn đề gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, hồ sơ đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở…
Kỷ Hương
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-lien-tuc-ngo-doc-thuc-pham-phu-huynh-dung-ngoi-khong-yen-20241014094306462.htm