DỒN TRỌNG TÂM VÀO TOÁN VÀ VĂN
Dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định số lượng môn thi là 3 môn, gồm toán, ngữ văn và 1 môn do Sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên từ các môn tính điểm ở cấp THCS. Vậy nên, nhiều học sinh (HS) tại TP.HCM hiện tập trung cao độ vào toán và ngữ văn trong lúc đợi thông tin môn thi thứ 3.
Phan An Nhiên, lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), cho biết em đăng ký học thêm 2 môn toán, văn từ hè, hiện tại đã học đến chương trình học kỳ 2. Với môn văn, em học cách rèn luyện tư duy để làm tốt phần nghị luận theo cấu trúc đề thi mới. Còn môn toán, em bắt đầu giải đề song song với việc học kiến thức trong chương trình. “Đặt mục tiêu là trường chuyên nên em nỗ lực từ sớm, em phải dành thời gian ôn luyện môn thi chuyên là lý nữa”, nữ sinh kể thêm.
Cũng bắt đầu ôn thi tuyển sinh từ hè, Nguyễn Tiến Dũng, lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho hay em dành hết 5 ngày trong tuần học thêm toán và văn. Thời gian còn lại em dành để học tiếng Nhật, môn học yêu thích nhất. Dũng bày tỏ: “Mặc dù ngoại ngữ là đam mê của em, nhưng với dự thảo của Bộ, em dành ít thời gian cho nó hơn để tập trung vào toán và văn vì không rõ có thi ngoại ngữ hay không”.
TẬP TRUNG HƠN Ở CÁC “MÔN PHỤ”
Với trường hợp bốc thăm môn thứ 3 trúng các môn tích hợp như khoa học tự nhiên gồm lý, hóa, sinh hay sử – địa, khối lượng kiến thức HS phải thi khá nặng. Lường trước điều này, một số HS thay đổi thái độ học tập với các “môn phụ”. Theo An Nhiên, em không còn lơ là và chủ quan trong các tiết học sử, địa.
“Trước giờ em vẫn nghĩ các môn sử, địa là môn học thuộc, đợi gần thi học cũng không muộn. Nhưng hiện tại, em rất chú tâm nghe thầy cô giảng và ghi chú bài học để có kiến thức nền, nếu lỡ thi trúng tổ hợp này em cũng không quá vất vả cho việc ôn tập”, nữ sinh cho hay.
Có chung “nỗi sợ” sử, địa, Trần Thiên An, lớp 9 Trường THCS Colette (Q.3), cho rằng đây là tổ hợp đòi hỏi nền tảng kiến thức vững chắc, trong khi phương án bốc thăm vừa được đề xuất gần đây khiến HS khó có đủ thời gian chuẩn bị. “Tuy vậy, em cũng thường chủ động tìm xem các bài giảng lịch sử trên YouTube, TikTok vào cuối tuần để nhớ qua các mốc thời gian và sự kiện lịch sử, thuận tiện cho việc ôn tập sau này”, Thiên An nói.
Tự đánh giá bản thân còn yếu ở tổ hợp khoa học tự nhiên, Tiến Dũng chia sẻ em phải “chạy marathon” nếu môn thi thứ 3 trúng tổ hợp này. “Hiện tại, em vẫn tự học bằng cách làm bài tập và xem các bài giảng trên mạng, nhưng nếu có thông tin môn thi thứ 3 là khoa học tự nhiên, em sẽ đăng ký ngay các lớp học thêm để bổ sung kịp thời phần kiến thức bị hổng và ôn luyện thêm các dạng bài nâng cao”, nam sinh tâm sự.
TRƯỜNG LÊN KẾ HOẠCH CHUNG, CHỜ HƯỚNG DẪN
Trong khi đó, lãnh đạo các trường THCS tại TP.HCM cho biết việc dạy và học vẫn như trước đây trong lúc chờ hướng dẫn về chuyên môn của Sở GD-ĐT.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), cho hay việc học các môn vẫn diễn ra bình thường. Giáo viên (GV) cũng như HS phải dạy và học đều các môn để còn đảm bảo việc xét tốt nghiệp THCS. Thông thường hằng năm, việc chuẩn bị cho HS ôn tập kiến thức để tham dự kỳ thi lớp 10 diễn ra sau ngày 31.3. Đồng thời, biết trước định hướng môn thứ 3 là môn ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là chủ yếu thì các trường chủ động hơn trong việc ôn tập cho HS. Còn năm nay, nếu trong trường hợp thực hiện bốc thăm, trong tình thế bị động, nhà trường dự tính sẽ lên kế hoạch thời gian triển khai chung trước, khi có thông tin môn thi thứ 3 chính thức thì áp vào ngay.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), cũng nói về cơ bản dù bốc thăm hay ổn định môn thứ 3 như mọi năm thì tất cả các môn học vẫn phải dạy và học bình thường. “Nhưng cũng phải nói rằng nếu kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dành cho lứa HS lớp 9 năm nay ổn định phương thức với 3 môn thi như mọi năm thì HS sẽ chủ động hơn, không lo lắng thêm về sự thay đổi bên cạnh phần nào tâm lý áp lực là lứa thí sinh đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018”, ông Đắc nhận định.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám nói thêm thi lớp 10 là kỳ thi tuyển sinh với chỉ tiêu cụ thể cho từng trường nên nếu có sự thay đổi là thay đổi chung, khó là khó chung và ngược lại. Do đó, HS cứ yên tâm, tập trung vào việc học để thể hiện năng lực, phẩm chất cá nhân từ đó có cơ sở để định hướng chọn môn tự chọn khi vào lớp 10.
Giáo viên điều chỉnh kế hoạch giảng dạy khi ôn thi
Thầy H.T.Tân, GV toán tại Q.4, đánh giá việc bốc thăm chọn ra môn thi thứ 3 không chỉ gây bất ngờ cho HS mà cho cả GV. Tuy môn toán vẫn trong quy định thi, nhưng thầy đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để phù hợp với tình hình. Cụ thể, trong lớp ôn tập và luyện thi, thầy “tăng tốc” đến các phần kiến thức của học kỳ 2 và bắt đầu luyện các dạng toán thực tế.
“Việc luyện đề sớm giúp các em làm quen với dạng bài và có thêm thời gian ôn môn thi thứ 3. Nếu phương án bốc thăm được thông qua, môn thi thứ 3 sẽ có vào khoảng tháng 3, khi đã sang học kỳ 2, khiến HS phải gấp rút chuẩn bị. Vậy nên các em đã học trước toán sẽ bớt căng thẳng và có thêm thời gian cho môn thi sau này”, thầy Tân phân tích.
Một GV môn khoa học tự nhiên ở Q.4 nhận xét phương án bốc thăm môn thi thứ 3 khuyến khích HS chú trọng tất cả các môn, không xem nhẹ môn nào. Tuy nhiên, GV này lo ngại về khối lượng kiến thức rất lớn HS phải đối mặt, nhất là khi bốc thăm trúng tổ hợp khoa học tự nhiên. Khi đó, HS sẽ phải thi tới 5 lĩnh vực bao gồm toán, ngữ văn, lý, hóa, sinh.
“Không chỉ HS áp lực, bản thân thầy cô cũng rất căng thẳng khi phải đảm bảo kiến thức cho HS trong kỳ thi quan trọng. GV vốn chỉ chuyên 1 môn nay phải bồi dưỡng cho HS ôn thi 3 môn. Dù thầy cô đã được học bồi dưỡng 2 môn còn lại, nhưng việc giảng dạy trên lớp và ôn thi tuyển sinh là 2 vấn đề khác nhau. Chưa kể, nhiều HS yếu cần học phụ đạo, thầy cô phải dành thêm thời gian hỗ trợ, điều này tạo nên áp lực rất lớn cho cả thầy cô và HS”, GV môn khoa học tự nhiên trải lòng.
HS học lệch sẽ khó giải quyết đề toán thi lớp 10 của TP.HCM
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ nhiều năm trở lại đây, Sở thực hiện chủ trương tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống. Đề thi không chỉ dừng ở việc kiểm tra năng lực kiến thức môn học mà chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic của HS. Thêm vào đó, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 không đánh giá HS qua kiến thức một môn học mà tập trung đánh giá phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế. Vì vậy, nếu học lệch hoặc chỉ học những môn toán, ngữ văn hay tiếng Anh thì HS khó có thể giải quyết được khi đề thi môn toán có thể yêu cầu vận dụng kiến thức lý, hóa… đã học trong chương trình vào quá trình giải các bài toán liên quan đến thực tế.
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-kien-boc-tham-mon-thu-3-thi-lop-10-hoc-sinh-len-ke-hoach-san-sang-185241013224954722.htm