Chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng, các học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An đều nói không với điện thoại, tranh thủ từng giờ để ôn thi. Ngôi trường này với hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An.
Các kỳ tuyển sinh trước đây, ngôi trường này có nhiều học sinh trúng tuyển với điểm số cao và đậu vào các ngành top đầu của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân…
Cô Đậu Thị Quỳnh Mai, Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An cho biết: “Năm ngoái 230 học sinh của trường đậu đại học. Đặc biệt 7 bạn được vinh danh có điểm cao trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm liền, điểm trung bình xét tuyển đại học của trường đều xếp thứ 2 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chỉ sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Kết quả này cũng phần nào thể hiện học sinh con em dân tộc thiểu số không phải học yếu mà phương pháp giáo dục mới là điều quan trọng. Qua đó, cho thấy công tác chuyên môn, phương thức đào tạo của nhà trường đang triển khai là đúng đắn”.
Cũng theo cô Mai, các em từ những vùng khó khăn, điều kiện học tập cũng không bằng các bạn ở nơi khác. Vì thế, ngay từ khi khăn gói xuống trường, các em đều được thầy cô hỗ trợ từ những việc nhỏ nhất.
Điều đặc biệt, học sinh nơi đây đều nói không với điện thoại, nếu cần liên lạc với gia đình đều thông qua điện thoại tại căng tin của nhà trường. Giờ giấc sinh hoạt, học tập cũng được quy định rõ. Năm nay toàn trường có 230 học sinh dự thi.
Đây cũng là quãng thời gian nước rút trước khi bước vào kỳ thi quan trọng. Đêm đến, những phòng học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An vẫn sáng điện.
Trong các phòng học, thầy cô giáo tranh thủ thời gian trang bị thêm kiến thức cho học sinh của mình. Thầy cô đến lớp vào buổi tối hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Học sinh có những thắc mắc gì đều có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên.
“Ý thức học tập của các em rất tốt. Chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực của các em. Đây cũng là quãng thời gian rất quan trọng nên giáo viên nào cũng muốn trang bị cho các em vốn kiến thức tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi”, cô Lê Sa, giáo viên môn tiếng Anh chia sẻ.
Em Quang Thị Bê Ly, trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tâm sự: “Chúng em sẽ cố gắng tranh thủ quãng thời gian quan trọng này để hệ thống lại các kiến thức đã được học. Các thầy, cô giáo trong trường cũng không quản vất vả, ngày đêm giúp chúng em bổ sung những phần kiến thức quan trọng. Nhờ vậy, chúng em cũng tự tin để bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới”.
Ly cho biết, dự kiến sẽ xét tuyển vào Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Nữ sinh mong muốn sau này trở thành một giáo viên, để giúp học sinh miền núi nơi quê hương mình có được tương lai tương sáng hơn.
Còn em Ngô Thị Như Quỳnh, trú tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) nói: “Qua các nhóm tự học chúng em cũng có thể giúp đỡ nhau nhiều hơn. Chúng em đều quyết tâm vượt qua kỳ thi sắp tới với thành tích tốt nhất không phụ sự tin tưởng và công sức của thầy cô trong trường”.
Đêm về khuya những ánh đèn vẫn sáng nơi cửa phòng, hàng ghế đá, các cô cậu học trò vẫn miệt mài bên trang sách. Tất cả đang chạy nước rút để bước vào kỳ thi sắp tới với một hành trang tốt nhất với mong muốn gặt hái thành công, tạo nên những kỳ tích mới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-cuoi-cap-noi-khong-voi-dien-thoai-de-mong-doi-doi-20240619171904780.htm