Kết quả ấn tượng – học sinh sẵng sàng
Năm học mới này, trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận chào đón 935 học sinh của 13 dân tộc như Chăm, K’ho, Raglai…
Năm học vừa qua, thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận đã vượt qua nhiều khó khăn; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đạt những kết quả đáng trân trọng. Tỷ lệ học sinh đạt giỏi; khá tăng 7,10% và là năm thứ 10 Trường có trên 99% học sinh tốt nghiệp THPT, cao hơn tỉ lệ chung của tỉnh.
Năm học 2024 – 2025 này, thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống; trải nghiệm hướng nghiệp, kỹ năng sống; chăm lo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Ông Lương Đào Quốc Dũng, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận chia sẻ, ở năm cuối lớp 12, cố gắng phấn đấu làm sao đạt 100% là đạt mức bình quân thi tốt nghiệp cao nhất so với tỉnh, bởi vì 10 năm nay, trường luôn vượt mức bình quân so với tỉnh. Đối với lớp 12 thì sẽ tập trung công tác hướng nghiệp, cho các em có nhiều cơ hội nghề nghiệp ở trong tương lai. Đặc biệt là giúp cho các em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở trong cộng đồng của mình.
Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, dù năm học 2024-2025 sẽ còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Ngành giáo dục mong muốn các thầy, cô giáo, học sinh quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện tốt nguyên tắc “Dạy thật, học thật, thi thật và đạt thành tích thật”, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đề ra”.
Tỉnh Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ học sinh, sinh viên trong tỉnh về học bổng, quần áo, tập sách, xe đạp… để các em có đủ điều kiện đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học vì khó khăn, thiếu sách tập.
Em Lê Thanh Yến Như, học sinh lớp A11, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức tỉnh Long An cho biết,: “Chúng em đã chuẩn bị sách vở từ nhiều ngày trước và đã sẵn sàng. Tất cả học sinh ở địa phương đều được thầy cô giáo rất quan tâm rất nhiều. Các bạn cùng trường của em cũng chuẩn bị sách vở rất đẹp và kỹ càng, lớp học thì gọn gàng”.
Gỡ khó áp lực trường lớp
Năm học 2024- 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 463 trường và 6 trung tâm giáo dục thường xuyên. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 308/460 trường, đạt tỷ lệ 66,96%.
Năm học này, ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục đối diện với những khó khăn như: vẫn còn cơ sở giáo dục thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày, một số trường có chỉ số học sinh/lớp quá cao so với quy chuẩn 35 học sinh/lớp của cấp tiểu học và 45 học sinh/lớp của cấp THCS.
Trước đó, Bà Rịa–Vũng Tàu cũng đã kịp hoàn thiện và đưa vào sử dụng 5 ngôi trường mới, giúp giảm áp lực trường lớp cho các địa bàn và tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, học tập, bảo đảm các điều kiện thiết yếu trong giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Để đáp ứng kịp thời công tác dạy và học, ngành giáo dục cũng đã xây dựng kế hoạch tuyển viên chức cho 265 vị trí. Ngoài ra, HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phê duyệt số lượng hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 4 lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm học 2024-2025 là 415 chỉ tiêu.
Ông Lê Thanh Kính, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cho biết, huyện thực hiện bố trí cho giáo viên dạy tăng tiết, thứ hai là kêu gọi, vận động nghỉ việc, về hưu mà còn sức khoẻ để tiếp tục ra đứng lớp.
Còn tại Bình Dương, để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh, năm học mới này, tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo thêm 12 trường học, tăng thêm 266 phòng học, nâng tổng số trường học của tỉnh lên 713 cơ sở, bao gồm 375 trường công lập và 338 trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, số lượng học sinh đông các địa phương như TP.Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An, số lượng học sinh trong lớp luôn vượt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, năm học này, Bình Dương cũng đang đối mặt với khó khăn khi thiếu khoảng 3.222 giáo viên theo định mức, trong đó nhiều nhất là giáo viên âm nhạc, tin học, mầm non. Mặt khác, việc học sinh đông cũng gây khó khăn về cơ sở vật chất để tổ chức bán trú cho học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bình Dương, Sở Giáo dục-Đào tạo đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, đồng thời đổi mới hình thức dạy vừa trực tiếp vừa trực tuyến đối với các môn thiếu giáo viên.
Hiện nay, Sở Giáo dục- Đào tạo đang chỉ đạo các huyện thực hiện việc thỉnh giảng, điều phối giáo viên trong toàn huyện, hoặc liên huyện để hỗ trợ. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải dạy vượt 200 giờ. Hiện nay, ngành giáo dục cũng đang nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết theo nghị định, thông tư hướng dẫn của Luật lao động. Do đó, việc dạy vượt 200 giờ sẽ có hướng giải quyết trong thời gian tới. Bà Hằng cho biết thêm.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025, ngành Giáo dục và các trường học trên địa bàn Tây Ninh đã tiến hành sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, bảo đảm môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành giáo dục đã tuyển thêm 152 giáo viên các cấp để khắc phục tình trạng, thiếu giáo viên; chi 7,5 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất. Đặc biệt, công tác chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/hoc-sinh-cac-tinh-dong-nam-bo-don-nam-hoc-moi-post1119001.vov